Ngày 23.10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá, nhìn tổng thể tình hình năm 2017 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, cả 13 chỉ tiêu trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết của Quốc hội) đều dự kiến đạt và vượt so với kế hoạch.
Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra; quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, giải quyết yếu kém của một số DNNN còn chậm; việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu còn hạn chế; chất lượng đầu tư công chưa cao.
Đặc biệt, chất lượng tăng trưởng cũng chưa được cải thiện, chỉ số thu nhập quốc dân ngày càng giảm, tăng xuất khẩu vẫn phụ thuộc phần lớn vào khu vực FDI; sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thiếu tính bền vững; chất lượng cuộc sống người dân có cải thiện nhưng chưa rõ ràng…
Cơ quan này khuyến cáo cần quan tâm đánh giá kỹ lưỡng các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo.
Ngoài ra, trong điều hành nền kinh tế cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 ước thực hiện đạt 6,7% với điều kiện tăng trưởng quý 4/2017 đạt mức 7,4-7,5% vẫn là thách thức lớn do tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo không còn nhiều dư địa; tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro còn phụ thuộc vào thời tiết; khai khoáng, giải ngân đầu tư công dự báo giảm so với năm 2016.
Về tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hiệu quả đầu tư khi chỉ tiêu này trong năm 2017 lên tới 33,42% GDP, cao hơn so với Nghị quyết của Quốc hội (31,5% GDP) và tăng 12,6% so với năm 2016. Đây là mức cao so với nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, một mặt thể hiện tính tích cực nhưng mặt khác thể hiện công tác dự báo chưa chính xác dẫn đến cân đối nguồn lực chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3% nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém với nợ xấu chưa căn bản và triệt để.
Báo cáo bày tỏ lo ngại về hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khi tăng trưởng tín dụng cao sẽ dễ dẫn đến tác động tiêu cực tới lạm phát, gia tăng nợ xấu và tín dụng không đi vào những ngành, lĩnh vực có tác động tích cực tới nền kinh tế.
Đặc biệt, có những dấu hiệu cho thấy giá bất động sản tăng bất thường ở một số nơi dưới tác động của đầu cơ; đầu cơ cục bộ cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán. Đây là những chỉ báo gây lo ngại và cần được giám sát chặt chẽ.
Mặc dù Chính phủ đã tích cực triển khai các giải pháp tạo chuyển biến về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính, tuy nhiên một số cơ chế, chính sách còn bất cập, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp.
Một số ý kiến đề nghị cần phải tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án BOT giao thông vì thời gian qua bên cạnh các đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Dư luận xã hội cũng bày tỏ sự không hài lòng về một số khâu trong triển khai dự án như chỉ định thầu, các nhà đầu tư chưa bảo đảm năng lực, chất lượng một số công trình kém, mức giá dịch vụ, thời gian thu phí và việc đặt các trạm thu phí BOT chưa hợp lý tại các tuyến quốc lộ.
Cũng có ý kiến đề nghị phân tích các hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là nhận định trong báo cáo về việc thiếu cơ quan chịu trách nhiệm tại các cấp về tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế để đề xuất giải pháp cụ thể. Đặc biệt việc xác định trách nhiệm của bộ, ngành trung ương với địa phương không rõ ràng khi có sự việc xảy ra chỉ có cơ quan trung ương vào cuộc mà vai trò của chính quyền địa phương rất mờ nhạt dẫn đến hình thành điểm nóng không đáng có.
Một số ý kiến khác lo ngại về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản như vàng, cát, sỏi… tại một số địa phương diễn ra hết sức phức tạp nhưng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý làm thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh trật tự xã hội.
Công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm, gây thiệt hại lớn. Sai phạm, vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ tại nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương thiếu khách quan, minh bạch; tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.
Cần làm rõ nguyên nhân và việc xử lý những vụ án lớn về buôn lậu, buôn bán thuốc giả sau khi xét xử còn có nhiều ý kiến trái chiều…
Về mục tiêu các năm tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị nhấn mạnh việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung cho các mục tiêu trung hạn là đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 bước đột phá chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế và bảo đảm phát triển bền vững theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm thuận lợi, bình đẳng, rà soát, cắt giảm các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh và chi phí bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.