Việc xây dựng các siêu đập thuỷ điện đang bùng nổ trên khắp thế giới với niềm tin rằng thuỷ điện là năng lượng xanh, có thể tái tạo và là giải pháp để giảm biến đổi khí hậu. Trên thực tế, khi các siêu đập này được xây dựng trên các lưu vực sông Amazon, Mê Kông và một số nơi khác đã gây ra thiệt hại lớn về môi trường và xã hội, đồng thời, chứng minh thủy điện không còn là nguồn năng lượng xanh.
Khi các đập được xây dựng, lượng lớn các loại khí nhà kính được sẽ phát thải từ các khu vực đất, thực vật thối rữa ngập nước, từ tuabin và các đập tràn, đặc biệt là tại các vùng nhiệt đới, điều đó có nghĩa rằng các dự án đập này không phải là giải pháp thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc đánh giá các tác động khác nhau của đập, cùng với chức năng kinh tế của nó lại là một nhiệm vụ phức tạp, trong khi quy trình, thủ tục xây dựng đập hiếm khi được công khai minh bạch.
Để việc đánh giá tác động của các đập thủy điện đơn giản và dễ dàng hơn, Tổ chức phi chính phủ Conservation Strategy Fund (CSF) đã phát triển một công cụ trực tuyến, miễn phí mang tên HydroCalculator. Ông John Reid, nhà sáng lập và Thaís Vilela, chuyên gia nghiên cứu của CSF phát triển công cụ với hy vọng HydroCalculator sẽ cho phép “số lượng lớn người dân, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách lường trước và giám sát các hậu quả kinh tế và môi trường của các dự án đập thuỷ điện”.
HydroCalculator sẽ giúp cung cấp một kết quả rõ ràng về giá trị kinh tế ròng của đập, chi phí phát thải khí nhà kính theo lý thuyết; số năm cần thiết trước khi dự án tạo ra lợi nhuận; và số năm để lượng phát thải carbon ròng trở thành giá trị âm.
Ông John Reid quyết định phát triển công cụ HydroCalculator sau quá trình phân tích chi phí, lợi ích của các đập và nhận thấy các dự án này đang đe doạ các hệ sinh thái và không mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
“Trong một thời gian dài, các nhà môi trường đã ngầm thừa nhận rằng việc cân nhắc tới giá trị kinh tế của các dự án xây dựng lớn không phải là công việc của họ. Điều này thật vô lý. Công cụ này chính là một phần trong nỗ lực lớn hơn giúp những người ủng hộ bảo tồn thiên nhiên trở thành những người có thể đóng góp thực sự trong các quyết định đầu tư công lớn.” – Ông John Reid nói.
Nhà nghiên cứu Vilela chia sẻ rằng số lượng các dự án không khả thi về mặt tài chính rất “đáng ngạc nhiên”, và mục tiêu chính của công cụ là gia tăng minh bạch trong quá trình ra quyết định đối với các dự án phát triển đập.
Để sử dụng công cụ này, người dùng sẽ phải truy cập trang web của CSF, nhập dữ liệu chính của dự án bao gồm diện tích khu vực bị ngập nước, các loại thảm thực vật sẽ bị nhấn chìm, các chi phí dự kiến, công suất dự kiến và giá bán điện của đập.
Một số yếu tố đã có các giá trị mặc định như hàm lượng carbon trong thực vật, giá bán buôn điện và tỷ lệ chiết khấu năng lượng sẽ có sẵn trên web cho những người dùng không biết chi tiết cụ thể. Người dùng cũng có thể tham khảo tất cả các phân tích dự án đập đã được thực hiện trước đó trên trang web.
Các nghiên cứu khoa học gần đây đã cho thấy các tác động nghiêm trọng của các đập thủy điện vì là nguồn phát thải khí methan, yếu tố bị bỏ quên trong quá trình đánh giá tác động của đập. Đồng thời, cần khẩn cấp giảm lượng khí thải CO2 để ngăn chặn quá trình nóng lên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Do đó, việc kết hợp các ước lượng phát thải khí nhà kính chính xác là chìa khóa để phát triển nên công cụ HyroCalculator. Ông Reid cho hay, để làm được điều này cần phải cài đặt bản đồ về mật độ carbon toàn cầu, tìm ra lượng khí thải từ điện năng của mỗi quốc gia và tìm ra một công thức khả thi cho lượng khí thải hồ chứa từ bất kỳ dự án nào.
Tính chính xác và thực tiễn là yêu cầu đặt ra với bất kỳ công cụ phân tích online nào. Lựa chọn thiên về tính thực tế và dễ dàng sử dụng, công cụ HydrocalCulator có một số nhượng bộ nhỏ cho tính chính xác. Ví dụ, thông tin phát thải từ tua-bin và đập tràn đã bị loại khỏi phiên bản này, do có nhiều rủi ro xung quanh các nguồn dữ liệu đầu vào. Do đó, ước tính phát thải của công cụ có phần bảo thủ, tuy nhiên, CSF đang có kế hoạch bổ sung các nguồn thông tin này vào các phiên bản mới.
Công cụ HydroCalculator đã được kiểm tra kỹ lưỡng và được CSF sử dụng một thời gian; nhiều tổ chức khác như Tổ chức Sông ngòi Quốc tế và một ngân hàng phát triển cũng đã sử dụng HydroCalculator trong các nghiên cứu của họ.
Ông Sarah Bardeen, chuyên gia của Tổ chức Sông Quốc tế, chia sẻ rằng Tổ chức của ông đã nhận thấy tính hữu ích của công cụ HydroCalculator trong việc đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế của đập trong bối cảnh thông tin về dự án còn hạn chế. Công cụ HydroCalculator còn giúp người sử dụng tính toán ước lượng phát thải khí nhà kính từ hồ chứa của đập. Ngoài ra, công cụ cũng giúp cung cấp thông tin về lượng khí thải trong hồ chứa cho những cộng đồng bị ảnh hưởng, những người thường không được nắm rõ về quá trình lập kế hoạch các dự án thủy điện.
Cả ông Bardeen và Tổ chức CSF nhấn mạnh rằng không nên sử dụng công cụ này một cách riêng lẻ mà nên đưa công cụ trở thành một phần của quá trình đánh giá rộng rãi hơn. Ông Bardeen giải thích rằng thủy điện là một nguồn năng lượng phức tạp và nguy hiểm khi xây dựng; và không có một công cụ nào có thể nắm bắt và hiển thị tất cả các hậu quả môi trường, xã hội và kinh tế của việc xây dựng đập.
Đồng thời, việc đánh giá ưu nhược điểm của phát triển thủy điện cần được thực hiện thông qua sự phân tích sâu về dữ liệu sơ cấp và lắng nghe những người bị ảnh hưởng. HydroCalculator chính là bước đầu đi đầu tiên của công cuộc đánh giá này.
Những rủi ro môi trường chính của các đập – như các tác động trực tiếp và gián tiếp đến đa dạng sinh học, các ảnh hưởng đối với sự kết nối thiên nhiên trên cạn và dưới nước, giảm lượng chất dinh dưỡng và dòng trầm tích – cùng với những hậu quả đối với cộng đồng địa phương, tất cả phải được cân nhắc kỹ lưỡng trước các lợi ích của đập thuỷ điện được đề xuất.
Ông Reid và Vilela cho rằng cuộc tranh luận toàn cầu về thuỷ điện có thể sẽ tăng lên khi áp lực nhằm đáp ứng nhu cầu điện đang gia tăng và kiềm chế phát thải khí nhà kính. Các công cụ như HydroCalculator có thể giúp cung cấp kiến thức cần thiết để điều hướng cuộc tranh luận này.
Dương Kim (Theo Mongabay)