Nhiều khu rừng tự nhiên vốn tàn lụi qua bom đạn chiến tranh, do con người xâm hại hoặc thiên tai tàn phá, khi được giao cho cộng đồng dân cư quản lý đã nhanh chóng xanh tốt
Những cơn mưa kéo dài khiến con đường dẫn lên khu rừng cộng đồng thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế càng thêm sình lầy khó đi. Thế nhưng, những người trong “biệt đội” bảo vệ rừng vẫn lên đường tuần tra.
Hồi sinh khu rừng “chết”
Chúng tôi theo chân tổ tuần tra gồm 4 người dân và một kiểm lâm viên (KLV) vượt chặng đường hơn 5 km gập ghềnh từ trung tâm xã Phong Sơn vào khu rừng Thanh Tân. Ông Phan Dùng, KLV Hạt Kiểm lâm Phong Điền, khoe: “Người dân ở đây rất quý rừng, xem như tài sản của mình nên dồn sức giữ gìn”.
Đến một dốc cao, chúng tôi phóng tầm mắt về phía trước và chỉ thấy bạt ngàn rừng xanh. Chỉ về phía xa xa, ông Dùng bảo: “Đó là thôn Thanh Tân, trước đây toàn đất trống nhưng nay rừng đã phủ kín”.
Ngay khi đến Thanh Tân, các thành viên “biệt đội” liền chia nhau đi kiểm tra xem có gì bất thường không. Sau đó, từng người viết báo cáo gửi Ban Quản lý rừng cộng đồng Thanh Tân.
Ông Nguyễn Minh Tiến, trưởng thôn Thanh Tân, cho biết trước đây khu vực này vốn là rừng tự nhiên. Trải qua chiến tranh, Thanh Tân bị bom đạn cày nát, cộng thêm chất độc hóa học rải xuống nên rừng xanh tàn lụi, hàng chục năm sau vẫn chỉ là đất trống đồi trọc. “Sau chiến tranh, thêm tác động khai thác của con người nên những cánh rừng tự nhiên ở Thanh Tân ngày càng cạn kiệt” – ông Tiến nhớ lại.
Đến năm 2003, tỉnh Thừa Thiên – Huế thí điểm giao rừng cộng đồng cho các hộ dân Thanh Tân khoanh nuôi bảo vệ, kết hợp khai thác lâm sản phụ. KLV Phan Dùng đến giờ vẫn nhớ rõ những khó khăn ban đầu khi vận động người dân. “Bà con cho rằng rừng bao la thì làm sao mà giữ nổi, rằng giữ rừng thì họ được gì… Chúng tôi kiên trì giải thích, thuyết phục và dần dần, bà con đã hiểu ra” – ông kể.
Năm 2011, khi các cánh rừng “chết” ở Thanh Tân bắt đầu hồi phục, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chính thức quyết định giao cho cộng đồng dân cư. 156 ha được giao cho 39 hộ dân nuôi trồng, khai thác với sự quản lý của chính quyền địa phương và ngành kiểm lâm. “Lúc mới giao rừng, trữ lượng gỗ tại đây chỉ 40 m3/ha, giờ đã lên đến 60 m3. Nhiều cây gỗ quý đã phát triển tốt” – ông Dùng hồ hởi.
Giờ đây, ý thức bảo vệ rừng như ngấm vào máu của người dân Thanh Tân. Chính những người khai thác rừng trái phép trước đây đã nhận ra tác hại của việc mất rừng. Vì thế, họ đã tình nguyện làm nhiều cách để bảo vệ vốn quý này. Các hộ dân được chia làm 4 tổ, gọi vui là “biệt đội rừng xanh”, mỗi tháng tuần tra 2-3 lần, nếu đột xuất thì 4-5 lần.
Theo ông Trần Thước, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng Thanh Tân, “biệt đội” có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn và đẩy đuổi những kẻ lăm le khai thác gỗ, lâm sản phụ trái phép. “Đi tuần tra bị rắn rết cắn thương tích, cây ngã đè gãy tay chân là chuyện thường với họ. Vất vả nhất là vào mùa hè bởi nguy cơ cháy rừng và kẻ xấu thường chọn thời điểm này khai thác trộm gỗ” – ông Thước cho biết.
Rừng Thanh Tân nằm ở thượng nguồn một nhánh sông Bồ, nước từ đây đổ về thủy điện Hương Điền. “Vì vậy, rừng Thanh Tân có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn nước thượng nguồn đổ về hạ du, giảm thiểu lũ lụt ở nhiều vùng thấp trũng” – ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn, nhận xét. Ông Nguyễn Bá Thạo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phong Điền, cho rằng mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng ở Thanh Tân rất đáng được nhân rộng, triển khai.
Chỉ “trời” mới phá được rừng!
Tại Quảng Trị, nhiều năm qua, thôn Hồ ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa cũng được xem là điển hình trong việc bảo vệ rừng. Gần 350 ha rừng tự nhiên ở đây được giao cho 22 nhóm hộ dân quản lý, bảo vệ gần 5 năm qua.
Hôm đến làng Hồ, chúng tôi luôn đối mặt những ánh mắt dò xét, cảnh giác của người dân. Ông Hồ Văn Xanh, trưởng thôn Hồ, giải thích: “Bà con luôn theo dõi nhất cử nhất động của người lạ, ai có hành vi bất minh là họ báo ngay cho chính quyền địa phương”.
Theo ông Xanh, mỗi hộ dân ở đây được Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa giao khoảng 5 ha rừng tự nhiên. “Đây là cánh rừng đầu nguồn, có nhiều cây to 3-4 người ôm không xuể. Từ khi rừng được giao cho người dân trông coi, cảnh “của chung không ai khóc” không còn. Người dân lập tổ, thường xuyên đi tuần tra nên khó ai có thể xâm phạm cánh rừng này” – ông Xanh khẳng định.
Khoát tay chỉ về phía trước, ông Xanh khoe khoảnh rừng mà ông được giao quản lý, bảo vệ. “Gần 5 năm tôi nhận khoảnh rừng này, một cây con cũng không bị chặt phá. Không những tôi mà toàn bộ những người được giao rừng cũng vậy. Ở đây, chỉ có “trời” mới phá được rừng!” – ông quả quyết.
Trưởng thôn Hồ kể vừa qua, mấy cơn bão đi qua đã làm nhiều cây rừng gãy đổ. Có cây to đến 2 vòng tay ôm ngã chỏng chơ nơi bìa rừng. “Sau bão, người dân đi tuần tra, thấy vậy tiếc lắm, rầu rĩ đến mấy ngày. Cây mình chăm to đến vậy mà trời làm gãy đổ, sao không tiếc cho được” – ông giải thích.
Theo ông Lê Văn Quốc, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa, rừng thôn Hồ rất gần khu dân cư nên dễ bị tác động, xâm hại. “Thế nhưng, từ khi được giao khoán, ý thức bảo vệ rừng của người dân tăng cao, việc chặt phá cây cối không xảy ra” – ông khẳng định.
Ông Hồ Đình Tào, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, cho biết rừng ở thôn Hồ được giao theo từng dòng họ, gia đình. “Mỗi dòng họ, gia đình chọn ra người có uy tín nhất để giám sát, ai có hành vi xâm hại đến rừng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc” – ông Tào tiết lộ.
Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa, tính đến cuối năm 2016, đơn vị đã giao 5.000 ha rừng cho 13 cộng đồng dân cư và 80 hộ gia đình quản lý, bảo vệ. “Những khu rừng này được cộng đồng dân cư và các hộ dân quản lý, bảo vệ rất tốt” – ông Quốc tin tưởng.