Trên địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung hiện nay có gần 2.000 hồ chứa nước có chức năng cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và điều tiết nước phòng, chống thiên tai. Thực tế cho thấy, công tác quản lý an toàn hồ chứa nước ở các địa phương còn nhiều vấn đề bất cập, nỗi lo mất an toàn hồ chứa nước chưa bao giờ là câu chuyện cũ.
Nhiều hồ chứa nước chưa được kiểm định
Nghệ An hiện nay có hơn 600 hồ chứa nước, hầu hết những công trình này được xây dựng trong khoảng từ năm 1960 đến 1980 nên đã xuống cấp, thiếu an toàn, nguy cơ vỡ hồ đập có thể xảy ra, nhất là vào mùa mưa bão. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh Nghệ An mới chỉ tu sửa và xây dựng mới được 100 công trình hồ chứa nước, còn lại rất nhiều công trình có dấu hiệu hư hỏng.
Hồ Ba Khe (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) có dung tích hơn 2 triệu mét khối, được xây dựng vào năm 2001 phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân xã Nam Lộc. Điều đáng lo ngại là hiện nay hồ chỉ được kè đá thô sơ, có hiện tượng rò rỉ, nước thấm qua thân đập, trong khi có hơn 200 hộ dân đang sinh sống ngay dưới “quả bom nước” này. Chị Nguyễn Thị Phước (thôn 4, xã Nam Lộc) lo lắng: “Đợt mưa lớn vừa qua, nước từ hồ Ba Khe chảy về khiến gần 20 hộ dân bị nước ngập vào nhà. Chúng tôi sống xung quanh hồ luôn nơm nớp lo sợ hồ Ba Khe có nguy cơ bị vỡ khi qua nhiều năm, hồ chứa này đã bị hư hỏng, trong khi bão lũ xảy ra liên miên”.
Cùng chung thực trạng với tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 350 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 800 triệu mét khối. Tuy nhiên, 190 hồ chứa nước ở tỉnh Hà Tĩnh đang bị hư hỏng, trong đó có 40 công trình mất an toàn cao, chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Can Lộc… Vừa qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nước từ thượng nguồn đổ về tại Hà Tĩnh đã xảy ra sự cố vỡ hồ chứa nước Cố Châu (thuộc địa bàn xã Gia Hanh, huyện Can Lộc), ảnh hưởng trực tiếp tới 4 thôn, rất may không có thiệt hại về người.
Không chỉ lo ngại về sự mất an toàn, các hồ chứa, đập nước tại Nghệ An, Hà Tĩnh còn nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quản lý dẫn đến làm giảm hiệu quả đầu tư.
Trong rất nhiều công trình hồ chứa nước tại Bắc miền Trung, chỉ có một số ít công trình được các cơ quan chuyên môn quản lý. Đơn cử như tại Nghệ An chỉ có 59/625; Hà Tĩnh có 60/350 hồ chứa nước do các công ty thủy lợi quản lý, còn lại giao cho địa phương, trực tiếp là xã và hợp tác xã. Đa số cán bộ quản lý hồ chứa nước tại địa phương không có trình độ chuyên môn, văn bằng phù hợp quy định, không được đào tạo hoặc không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý công trình thủy lợi. Do vậy, nhiều địa phương quản lý nhưng hồ sơ công trình, tài liệu thiết kế ban đầu bị thất lạc, không có quy trình kỹ thuật quản lý, công tác đo đạc, quan trắc thực hiện không đầy đủ, chưa chú ý đến nền nếp vận hành kỹ thuật, coi nhẹ công tác quản lý hồ chứa nước. Hằng năm, các công ty và ngành thủy lợi vẫn tổ chức tập huấn cho đội ngũ quản lý hồ chứa tại địa phương nhưng tần suất và chất lượng còn mang tính hình thức. Công tác kiểm định an toàn hồ chứa hầu như chưa được thực hiện. Cụ thể, tỉnh Nghệ An mới chỉ có 9 hồ, đập nước lớn được kiểm định, còn lại 616 hồ chứa chưa được kiểm định. Tương tự, tại Hà Tĩnh cũng chỉ có 11 hồ chứa nước dung tích trên 10 triệu mét khối được kiểm định.
Nâng cao năng lực quản lý, vận hành
Theo Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 7-5-2007 của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, quy định đối với các hồ chứa có dung tích trữ nước dưới 10 triệu mét khối theo định kỳ 7 năm phải kiểm định an toàn đập để tính toán lại dòng chảy của hồ chứa, kiểm tra khả năng tháo lũ của hồ theo tiêu chuẩn thiết kế… nhưng hầu như chưa địa phương nào triển khai thực hiện được. Về vấn đề này, ông Hà Huy Quyết, Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh lý giải: “Kiểm định an toàn hồ chứa là một công việc đòi hỏi có cán bộ kỹ thuật chuyên môn hoặc phải có cơ quan tư vấn chuyên ngành mới thực hiện được. Song, hầu hết các hồ chứa nhỏ do địa phương, các hợp tác xã quản lý thì không đủ trình độ để thực hiện. Mặt khác, các địa phương đều không có kinh phí để thuê cơ quan tư vấn nên hầu hết các hồ chứa hiện nay đều không được kiểm định an toàn”.
Các tỉnh Bắc miền Trung hiện nay có nhiều công trình hồ chứa nước đang bị hư hỏng, xuống cấp, cụ thể như tỉnh Quảng Bình với 25 hồ chứa nước mất an toàn cao, Quảng Trị có 48 hồ, đập cần phải tu sửa, nâng cấp khẩn cấp, Thanh Hóa với 110 hồ chứa xuống cấp… Theo thống kê của Phòng Cứu hộ-Cứu nạn, Quân khu 4, cơn bão số 10 và áp thấp nhiệt đới vừa qua đã khiến 32 hồ chứa nước trên địa bàn bị hư hỏng.
Ông Phạm Hữu Văn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An nói: “Hằng năm, tỉnh Nghệ An đều bố trí kinh phí tiến hành tu sửa công trình để bảo đảm an toàn hồ chứa nhưng với số lượng nhiều, thiên tai, bão lũ thường xuyên nên chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu. Công tác kiểm định hồ chứa, bồi dưỡng năng lực, chuyên môn về quản lý, vận hành hồ chứa cho các địa phương còn hạn chế”. Ông Phạm Hữu Văn còn cho biết thêm, đến mùa mưa lũ, các hồ chứa nước đều có lập phương án phòng, chống bão lũ nhưng đến khi triển khai thực hiện thì các vật tư dự phòng hầu như không có do kinh phí địa phương hạn chế và nguồn vốn Trung ương bố trí còn hạn hẹp. Thậm chí, các phương án di dời dân cư ra khỏi những hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn đã được lập nhưng thiếu lực lượng trẻ xung kích để triển khai, người dân lại có tâm lý trông chờ vào các lực lượng thường trực, quân đội tại địa phương. Do đó, chính quyền cần phối hợp với ngành thủy lợi để tăng cường công tác tuyên truyền, khắc phục tính chủ quan trong phòng, chống bão lũ của nhân dân tại các công trình hồ chứa nước. Mặt khác, Trung ương và tỉnh cần hỗ trợ thêm nguồn lực để triển khai nâng cấp, sửa chữa cũng như kiểm định an toàn, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý, vận hành các công trình hồ chứa nước.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập vẫn chưa cụ thể, chế tài còn nhẹ, dẫn đến việc xử lý hành vi vi phạm chưa triệt để, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn hồ chứa diễn ra dai dẳng.
Trước thực trạng các hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, đặc biệt hiện tượng mưa lũ ngày càng bất thường, thì Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo đảm an toàn các công trình hồ chứa nước. Trước mắt, trong mùa mưa lũ, chính quyền và cơ quan chức năng cần thường xuyên bố trí lực lượng túc trực tại các hồ chứa để phát hiện, báo cáo kịp thời các sự cố có thể xảy ra và tổ chức ứng cứu kịp thời. Các đơn vị, các địa phương quản lý hồ chứa nước cần nâng cao năng lực quản lý, vận hành, bảo đảm kỹ thuật nhưng cũng phải linh hoạt, chủ động nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Về lâu dài, “bài toán” bảo đảm an toàn các hồ chứa nước cần được nghiên cứu, giải quyết một cách cơ bản để phát huy cao nhất hiệu quả các hồ chứa nước, đồng thời hạn chế được những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra.