Không thực hiện đúng quy hoạch, phát triển chăn nuôi ồ ạt, tùy tiện mở rộng quy mô đàn vật nuôi,… là thực tế diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là nguyên nhân khiến người chăn nuôi trở tay không kịp khi cung vượt cầu, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống…
Ngày 25-2-2013, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1835/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ nâng cấp, mở rộng quy mô chăn nuôi tập trung ở các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa… Đến nay, toàn thành phố đã hình thành 15 xã chăn nuôi bò sữa; 19 xã chăn nuôi bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm; 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm…
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, riêng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của thành phố khoảng 1.100 tấn/ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 900 tấn/ngày. Như vậy, nguồn cung đã dư thừa khoảng 200 tấn/ngày, chưa kể nguồn thực phẩm từ các địa phương lân cận đưa về thành phố tiêu thụ.
Độ phát triển nóng và thiếu sự giám sát thực hiện quy hoạch chăn nuôi đã dẫn tới tình trạng vỡ quy hoạch do mất cân đối cung – cầu. Đơn cử, tại huyện Ứng Hòa, theo quy hoạch chung của thành phố, có 2 vùng chăn nuôi lợn tập trung, tuy nhiên, trên thực tế, chăn nuôi lợn diễn ra ở tất cả các xã trên địa bàn. Ông Nguyễn Chí Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, hiện đàn lợn của huyện là hơn 129 nghìn con, tăng hơn 30 nghìn con so với năm 2011, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt gần 30.500 tấn. “Chăn nuôi không theo quy hoạch, nhưng chính quyền cơ sở chưa thể xử phạt hoặc có biện pháp cấm các hộ chăn nuôi tự phát” – ông Nguyễn Chí Viễn đánh giá.
Ngoài ra, các vùng chăn nuôi tập trung nằm trong quy hoạch chưa được đầu tư bài bản, khoa học về cơ sở hạ tầng là những khó khăn lớn trong quản lý, phát triển chăn nuôi. Tại huyện Chương Mỹ, khu chăn nuôi tập trung ở xã Thanh Bình và Trung Hòa có quy mô trên 50ha đã được thành phố phê duyệt nhưng đến nay vẫn gặp khó khăn về giao thông, điện…, dẫn tới hiệu quả kinh tế và quy mô đàn vật nuôi thiếu ổn định.
Tương tự, tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì, có thời điểm toàn xã có trên 100 trại gà công nghiệp quy mô lớn, trong khi hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng nhu cầu khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khi giá gà công nghiệp giảm chỉ còn dưới 15.000 đồng/kg, hàng trăm trang trại đã phá sản, để lại nhiều hậu quả đối với kinh tế tại địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng: Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch là yêu cầu cấp thiết hiện nay để Nhà nước có điều kiện đầu tư hỗ trợ hạ tầng về điện, đường, xử lý ô nhiễm môi trường; đồng thời xây dựng vùng chăn nuôi an toàn gắn với chuỗi, tránh dư thừa hoặc khan hiếm cục bộ làm nhiễu loạn thị trường.
Để giải quyết nhiệm vụ trên, đòi hỏi sự nỗ lực, trách nhiệm từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người chăn nuôi. Theo đó, các địa phương cần công khai quy hoạch gắn với tuyên truyền để người dân chấp hành, đồng thời cương quyết cưỡng chế, tháo dỡ các trang trại chăn nuôi không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường… Mặt khác, khi triển khai các dự án, quy hoạch, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch chung của thành phố, tránh chồng chéo với các quy hoạch về giao thông, du lịch… Đối với các vùng chăn nuôi tập trung nằm trong quy hoạch, cần sớm được quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ để giúp người chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững.