Năm 2017 có thể sẽ là một trong 3 năm nóng nhất trong 137 năm qua. Đó là nhận định mới nhất mà Cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) đưa ra trong ngày 18/10.
Theo báo cáo của NOAA, tính từ đầu năm đến nay, nhiệt độ trên bề mặt đất liền và các đại dương trên toàn cầu cao hơn 0,87 độ C so với mức nhiệt trung bình 14,1 độ C của thế kỷ 20.
Đây là mức tăng nhiệt độ cao thứ hai của 9 tháng đầu năm trong giai đoạn 1880 – 2017 sau mức tăng kỷ lục 0,13 độ C của năm 2016.
Kể từ năm 2005, thế giới đã ghi nhận tới 9 trong số 10 lần nền nhiệt trung bình của Trái đất trong 9 tháng đầu năm nóng nhất, ngoại trừ năm 1998.
Căn cứ vào những số liệu trên có thể thấy rằng 2017 có thể sẽ là một trong 3 năm có nhiệt độ nóng nhất trong vòng 137 năm qua.
Cũng theo báo cáo của NOAA, nếu tính theo tháng, tháng 9 sẽ là tháng nóng thứ 4 trong năm nay.
Trước đó, trong báo cáo công bố hồi tháng 8 có nhan đề “Tình trạng khí hậu”, NOAA khẳng định năm 2016 là năm nóng kỷ lục trên toàn cầu trong vòng 137 năm qua, với nhiệt độ bề mặt Trái Đất được ghi nhận ở mức cao nhất mọi thời đại.
Cụ thể, phần lớn các chỉ số về biến đổi khí hậu trong năm 2016 đều trong xu hướng ấm dần lên. Một số chỉ số trong đó có nhiệt độ đại dương và trên đất liền, mực nước biển và sự tập trung khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong không khí đều phá những mốc kỷ lục được ghi nhận một năm trước đó.
Những số liệu cập nhật hàng năm do các nhà nghiên cứu thuộc NOAA và hơn 450 chuyên gia thuộc gần 60 quốc gia trên thế giới đưa ra đều cho thấy nhiệt độ Trái đất đã phá kỷ lục trong 3 năm liên tiếp, trong đó chỉ số về khí thải gây hiệu ứng nhà kính lập kỷ lục cao nhất, đặc biệt mật độ khí carbon dioxide (CO2), methane và nitrous oxide cũng đều tăng lên mức kỷ lục mới trong năm 2016.
Mật độ CO2 trung bình toàn cầu trong năm 2016 là 402,9 ppm (phần triệu), tăng 3,5ppm so với năm 2015 và là mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng 58 năm qua.