Chúng ta biết, đồng bào các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số định cư ở vùng rừng núi đều có các khu rừng quản lý chung của cộng đồng dân cư. Các khu rừng này có từ khi thành lập làng bản (hay thôn, buôn…) nên người dân tộc thường gọi là “Rừng của làng bản”, không gọi “rừng của cộng đồng dân cư”.
Rừng còn, bản còn
Từ xưa đến nay, đồng bào dân tộc nói: “Rừng là cha, đất là mẹ; rừng và đất, nguồn nuôi sống con người”. Và “khi sống, đất là của ta, rừng nuôi sống; khi chết, ta là của đất, rừng chôn cất”. Họ quan niệm rằng, ở các khu đất rừng của làng bản là đất rừng linh thiêng, đều có các thần linh cai quản và bảo vệ, che chở cho dân làng. Cũng là nơi hàng năm, các thế hệ của dân tộc đều tổ chức lễ cúng đất rừng, các vị thần linh để cầu phúc lộc, tạ ơn các thần linh; làm lễ ăn thề theo luật tục và quy ước của làng bản,…
Ở đâu mất loại đất rừng thiêng này là người dân tộc cảm thấy bị hẫng hụt cả vật chất, tinh thần, tâm linh… nên không được tách cuộc sống người dân với đất và rừng. Ở các điểm tái định cư, không có quy hoạch đất rừng của làng bản; đồng bào đã cho rằng: Ở nơi mới so với nơi ở cũ bị mất đi những thứ không thể đo đếm và đền bù được, hẫng hụt sinh hoạt tín ngưỡng, không có các thần linh phù hộ là sống không ấm no, bình yên được,…
Từ nhiều đời nay, làng bản (nơi cộng đồng dân cư sinh sống) là chủ thực sự của các khu “rừng của làng bản”, có vai trò rất đặc biệt để quản lý, sử dụng, bảo vệ, phát triển rừng gắn liền với phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái, lo sinh kế cho cuộc sống dân làng, giữ an ninh quốc phòng, ổn định chính trị – xã hội… Những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, những việc làm này của các làng bản dân tộc thiểu số đã được các chế độ xã hội tôn trọng, thừa nhận. Mục đích cơ bản của việc quản lý và bảo vệ rừng chung của làng bản là vì lợi ích chung của cộng đồng về văn hóa tín ngưỡng, bảo vệ môi trường sống (nguồn nước, bảo vệ thôn bản), hỗ trợ sinh kế cuộc sống hàng ngày (khai thác lâm sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày), không vì mục đích lơi nhuận.
Ngày 27/8/2015, Bộ NN&PTNT cho biết: Trong 13 triệu ha rừng, số rừng đã giao cho hộ gia đình chiếm 26%, cộng đồng dân cư khoảng 2%. Như vậy, cả 2 đối tượng hộ gia đình và cộng đồng dân cư đã giao chưa được 30% là quá thấp, nhất là các hộ dân tộc ở các vùng rừng núi vẫn thiếu đất sản xuất, nhiều cộng đồng dân tộc thiếu đất rừng để thực hành văn hóa tín ngưỡng, sinh kế gắn với rừng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến xâm lấn, tranh chấp đất đai.
Lâu nay, chúng ta nói đã nhiều, bàn nhiều và triển khai nhiều chương trình về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy thế mạnh rừng, số tiền đầu tư cho việc làm này cũng không ít, ở một số nơi có kết quả đáng mừng. Nhưng nhìn chung, rừng vẫn bị tàn phá nghiêm trọng, độ che phủ của rừng cả nước chỉ còn khoảng hơn 40% là quá thấp. Mất rừng là một nguy cơ lớn, làm suy giảm khả năng điều tiết nguồn nước, làm xói mòn, rửa trôi đất đai, thoái hóa đất, gây biến đổi khí hậu, hạn hán và lũ lụt gia tăng; đặc biệt là mất nguồn sống, điểm tựa sinh kế, tín ngưỡng của các dân tộc và các loài động thực vật, làm mất màu xanh của Tổ quốc. Nói cách khác, nếu cứ để mất rừng rồi sẽ dẫn đến mất dân!…
Người dân mong đợi gì?
Vùng rừng núi nước ta chủ yếu là rừng và đất lâm nghiệp, là nơi định cư của khoảng 12/15 triệu người dân tộc thiểu số sinh sống gắn với rừng và đất lâm nghiệp (gọi là “văn hóa rừng”), giống như người Kinh ở miền xuôi sinh sống gắn với vùng đất lúa nước (gọi là “văn hóa lúa nước”). Đồng bào các dân tộc thiểu số là người sinh ra từ rừng, cũng là “dân ăn rừng”; ngày nay họ đang có nhiều tâm tư, trăn trở. Họ mong Đảng và Nhà nước sớm điều chỉnh, phân bổ lại rừng, đất rừng có lý và có tình, phù hợp với phong tục tập quán của các dân tộc. Người dân tộc và cộng đồng dân cư ở vùng rừng núi cần được giao đất rừng và làm nghề rừng.
Đồng thời, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc chuyển đổi nương rẫy sang bảo vệ rừng, phục hồi rừng tự nhiên, giảm sản xuất lương thực trên đất dốc, tăng diện tích trồng rừng (nhất là trồng cây bản địa), phát triển kinh tế rừng, để đồng bào sinh sống được bằng nghề rừng.
Mong Nhà nước công nhận cộng đồng dân cư ở làng bản là chủ thực sự của các khu “rừng của làng bản”, là lực lượng nòng cốt quản lý, sử dụng, bảo vệ, phát triển rừng gắn luật pháp với phong tục tập quán của các dân tộc, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước, nguyện vọng của cộng đồng dân cư. Và, Nhà nước hợp pháp hóa quyền sở hữu của cộng đồng dân cư các dân tộc thiểu số đối với các khu rừng văn hóa tâm linh, rừng bảo vệ nguồn nước, rừng sử dụng chung mà họ đang quản lý và sử dụng theo phong tục tập quán truyền thống; lồng ghép có hiệu quả giữa luật pháp và luật tục hay giữa “ phép vua” và “lệ làng”.
Nếu ai hiểu sai sẽ làm sai, làm mất đi “rừng của làng bản” – rừng cộng đồng dân cư, tín ngưỡng, tâm linh của các dân tộc thiểu số. Không giải quyết tốt vấn đề này thì việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng sẽ không đạt mong muốn, khó lường được hậu quả về chính trị – xã hội… “Rừng của làng bản”, bảo đảm quyền quản lý rừng cho cộng đồng dân cư, không chỉ là vấn đề kinh tế – sinh kế hàng ngày của đồng bào dân tộc ở vùng rừng núi, mà còn là văn hóa tín ngưỡng – tâm linh của các dân tộc thiểu số. Đây là vấn đề phức tạp, tác động đến các lĩnh vực quan trọng khác và rất dễ nhạy cảm…
Lù Văn Que (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)