Ít ai biết ngoài “vương quốc pơmu”, tại tỉnh Quảng Nam còn tồn tại một khu rừng lim hàng trăm năm tuổi cực kỳ quý hiếm.
Khu rừng lim độc nhất vô nhị còn sót lại trên dãy Trường Sơn này nằm gọn trong địa phận xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Muốn vào được đây, người ta phải đi từ huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam – bởi khu rừng được những ngọn núi đá dựng đứng và dòng sông Bung uốn lượn bao bọc.
Nội bất xuất, ngoại bất nhập
Vượt hơn 80 km từ trung tâm huyện Nam Giang đến thôn Pà Đhí, xã Zuôih bằng xe máy, chúng tôi đến bờ sông Bung. Các cán bộ kiểm lâm Trạm Bảo vệ rừng lim Lăng – Zuôih đã đón sẵn. Trạm trưởng Nguyễn Thành Long, người có hàng chục năm bám rừng ở những khu vực được xem là “điểm nóng” của Quảng Nam, cùng 2 kiểm lâm viên giục chúng tôi nhanh chóng lên phà để kịp chuyến tuần tra.
Mùa này, thủy điện Sông Bung 4 xả nước phòng lũ về nên nước lòng hồ khá cạn. Sau khoảng 20 phút, chiếc phà tuần tra chậm rãi đưa chúng tôi vượt sông Bung đến đầu suối Lăng, nơi đặt lán trại của lực lượng bảo vệ rừng. Từ chốt điểm này, lực lượng kiểm lâm có thể kiểm soát cả đường bộ lẫn đường thủy dẫn vào rừng lim.
Trạm Lăng – Zuôih khá đặc biệt, được thành lập với nhiệm vụ tối thượng là bảo vệ nguyên vẹn khu rừng lim quý hiếm và 13.000 ha rừng giáp ranh giữa 2 xã Zuôih – Lăng. Thực tế, khu rừng lim ở xã Lăng đã được phát hiện từ rất lâu nhưng lãnh đạo huyện Tây Giang cho “đóng dấu mật” – phương châm đặt ra là càng ít người biết càng tốt.
“Năm 2014, khi thủy điện Sông Bung 4 chuẩn bị tích nước, dự báo trước sau gì rừng lim cũng bị lâm tặc nhòm ngó nên huyện Tây Giang tiến hành khảo sát, đánh số cây và thành lập ngay trạm bảo vệ trực thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung” – anh Long cho biết.
Xác định nhiệm vụ được giao cực kỳ quan trọng, cán bộ, nhân viên trạm Lăng – Zuôih hầu như không ngày nào vắng mặt, kể cả dịp lễ, Tết. Biên chế chỉ có 9 người, mỗi kíp trực đã phải huy động 7 thành viên, kéo dài suốt 1 tuần. Sau mỗi kíp trực, 2 người được thay để lo việc giấy tờ, tiếp tế xăng dầu, thực phẩm.
“Luân phiên như thế, ngày này nối tháng khác, kiểm lâm viên ở đây thầm lặng bảo vệ rừng lim theo phương châm nội bất xuất, ngoại bất nhập. Anh em của trạm đa phần ở xa, mỗi lần về thăm nhà phải vượt hàng trăm cây số. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao” – anh Long bộc bạch.
Khu rừng “triệu đô”
Sau khi dùng vội bữa cơm trưa, chúng tôi bắt đầu ngược dòng suối Lăng tiến vào rừng lim. Dù được các kiểm lâm viên “làm công tác tư tưởng” từ trước nhưng hành trình theo đoàn tuần tra tiến vào rừng lim thật gian nan ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.
Hôm ấy, trời vừa mưa lớn khiến nước suối Lăng dâng đầy và chảy xiết. Có những đoạn nước sâu đến tận thắt lưng, kiểm lâm viên và chúng tôi phải đi theo hàng để hỗ trợ nhau vượt suối. Kiểm lâm viên Bùi Ngọc Thạch nhớ lại: “Những đợt tuần tra gặp mưa lớn, anh em phải ở lại trong rừng vài ngày là chuyện thường”.
Đúng 3 giờ vượt suối, luồn qua những cung đường mòn lau lách rậm rịt và hàng chục con dốc dựng đứng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu rừng lim quý hiếm. Trải qua chặng đường gian nan, có lúc ngỡ như không bước chân nổi nên khi đến đích, niềm vui của chúng tôi thật khó tả.
Cây lim đầu tiên chúng tôi chạm mặt nằm ở lưng chừng đồi, thẳng đứng, gốc to 4 người ôm không xuể. Đoạn đồi này lim mọc dày, hàng chục cây khổng lồ chỉ cách nhau chừng vài chục mét. Hiếm hoi mới thấy một vài sợi nắng xuyên qua tán lá dày trên đầu.
Có thể dễ dàng nhận thấy khu rừng lim này còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ. Ngoài con đường tuần tra do các kiểm lâm viên mở, cả cánh rừng lim bạt ngàn này rất ít dấu vết của con người. Cảm giác đứng trong rừng lim hít thở không khí trong lành thật khoan khoái.
Theo trạm trưởng Long, những gốc lim chúng tôi gặp chưa phải là to nhất, càng tiến sâu vào sẽ thấy những gốc lim lớn hơn nhiều. Trong đợt kiểm đếm trước đây, lực lượng chức năng chỉ ghi nhận những cây lim có gốc từ 3 người ôm trở lên – khoảng 400 cây, còn nhỏ hơn thì tính không xuể. Đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào nghiên cứu để xác dịnh lim cổ thụ ở khu rừng này có tuổi đời bao nhiêu năm.
“Có những cây lim tồn tại đã hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Lim là loại cây quý hiếm, thuộc nhóm 2A trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi cây lim ở đây ít nhất cũng được hơn 10 m3 gỗ. Hiện nay, gỗ lim có giá 20-30 triệu đồng/m3. Tính ra, mỗi cây lim có giá ít nhất 200 triệu đồng, rừng lim hàng trăm gốc này trị giá hàng triệu đô” – anh Long khẳng định.
Rừng lim giá trị là thế, lại nằm khá gần suối Lăng nên rất nguy hiểm. Nếu lực lượng kiểm lâm lơ là thì chỉ trong vòng 1 tuần, lâm tặc có thể chặt trụi cả rừng lim rồi dựa theo dòng nước đưa gỗ về xuôi.
Trưởng trạm Lăng – Zuôih tâm sự: “Chỉ cần phát hiện một bếp lửa, một vết phát dọn – dấu tích sự hiện diện của con người – trong cánh rừng này là anh em phải căng mình rà soát. Chỉ đến khi biết chắc đó chỉ là người địa phương đi bứt mây, hái nấm hoặc đánh bắt cá thì căng thẳng mới giảm đi phần nào. Đã có nhiều đối tượng xấu đến tìm cách mua chuộc để phá rừng lim nhưng chúng tôi nhất quyết không tiếp tay, thế là bọn xấu trở mặt đe dọa. Chúng tôi đã hứa với lãnh đạo tỉnh, huyện là không bao giờ để mất cây lim nào. Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ từ năm 2014, chúng tôi chưa bao giờ để mất một cây rừng”.
Kỳ tới: Lao vào “cuộc chiến”
Dở dang đường liên huyện
Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết năm 2012, tuyến đường giao thông nối 2 huyện Nam Giang – Tây Giang được khởi công, do UBND huyện Nam Giang làm chủ đầu tư. Sau khi thi công khoảng 8 km ở địa phận Nam Giang, không hiểu sao công trình này bị đình trệ đến nay. Theo ông Linh, tuyến đường này hết sức cần thiết đối với huyện, khi hoàn thành sẽ phá thế độc đạo đối với Tây Giang, giúp phát triển kinh tế – xã hội ở 2 địa phương cũng như thuận lợi hơn trong việc tuần tra, bảo vệ khu rừng lim. UBND huyện Tây Giang đã kiến nghị tỉnh Quảng Nam giao cho huyện làm chủ đầu tư, tiếp tục hoàn thành 22 km còn lại. |