Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh liên tục đứng ở trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI. Trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 9,6% cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Quảng Ninh là điểm sáng của cả nước về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, cải thiện môi trường đầu tư, tăng thu ngân sách (1 trong 4 tỉnh thu nội địa cao nhất cả nước). Những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, điều hành với những giải pháp thiết thực, tư duy đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm; là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước trong việc tìm ra những mô hình mới, cách làm hay về phát triển kinh tế – xã hội cũng như trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và mô hình bộ máy quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền hành động và phục vụ theo hướng hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tạo đột phá trong việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước theo hình thức đối tác công-tư (PPP) để triển khai các công trình, dự án trọng điểm, kết cấu hạ tầng giao thông động lực… chuyển nguồn vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư các công trình quốc phòng – an ninh, công trình phúc lợi an sinh xã hội.
Đổi mới mô hình tăng trưởng đem lại hiệu quả rõ rệt, thu ngân sách Nhà nước từng bước giảm phụ thuộc vào sự đóng góp của ngành than (tỷ trọng của ngành than đã giảm từ 57% năm 2011 xuống 51% năm 2016). Trong 7 tháng đầu năm 2017, kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển: Tăng trưởng kinh tế đạt 9,6% cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; thu ngân sách đạt hơn 21.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 73% (đứng thứ 4 cả nước); tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 16,5%; doanh thu du lịch tăng 25%; tổng vốn đầu tư xã hội tăng 10,6%.
Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện rõ nét; những năm gần đây, tỉnh liên tục đứng ở trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI (năm 2016 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành); thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, mở rộng đầu tư phát triển các dự án trên địa bàn.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết đơn thư, khiếu nại chuyển biến tích cực…
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIV nhiệm kỳ 2015 – 2020, tại Thông báo số 473/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Quảng Ninh phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để phát triển lĩnh vực du lịch, cảng biển, logistic… Chú trọng đào tạo, nâng cao cả về chất lượng nguồn nhân lực và số lượng; tăng cường quản lý công tác thu, chi quỹ bảo hiểm y tế, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối giữa các bệnh viện để nâng cao chất lượng việc khám, chữa bệnh.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đô thị, đất đai, tài nguyên môi trường; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường cảnh quan, đô thị, khu công nghiệp; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng quan trọng, có tính đột phá, công khai minh bạch các quy hoạch, dự án, các cơ chế, chính sách để nhân dân biết, đồng tình ủng hộ, thực hiện. Khai thác tối đa tính liên kết của các công trình hạ tầng cả về kinh tế – xã hội; quản lý xây dựng và hiệu quả sau đầu tư đối với các dự án đã và đang được triển khai.
Cùng với đó, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận thương mại, các hoạt động buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tỉnh cần cơ cấu lại ngành than, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tiêu thụ than; nghiên cứu đổi mới kỹ thuật, công nghệ, nâng cao năng suất lao động để giảm chi phí khai thác than, gia tăng giá trị cao cho ngành công nghiệp quan trọng của Quảng Ninh; tăng cường xây dựng thiết chế văn hóa, quan tâm đến an sinh xã hội, đời sống vật chất tinh thần của công nhân mỏ.