Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo mở rộng đối tượng cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ). Đây là chủ trương đúng nhưng đi cùng với đó, vẫn cần Bộ Công thương và các cơ quan liên quan phải nêu cao trách nhiệm. Nếu không, sẽ dễ dẫn đến hiện tượng bán than kém chất lượng, gây ra nhiều hệ lụy.
Tại Công văn số 436/TTg-CN ban hành ngày 28/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chủ đầu tư các NMNĐ (Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – TKV) tính toán nhu cầu than cần thiết cho sản xuất điện trong giai đoạn hiện tại và tương lai, bao gồm cả nguồn than trong nước và nhập khẩu để có kế hoạch cụ thể bảo đảm đủ nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy.
Bộ Công thương được giao chỉ đạo TKV, Tổng Công ty Đông Bắc và các doanh nghiệp khác (đã được cấp phép khai thác, sản xuất kinh doanh than) có tham gia khai thác than rà soát, tính toán năng lực cung ứng than (kể cả sản xuất trong nước, nhập khẩu than) cho các NMNĐ và các hộ tiêu thụ khác để xây dựng kế hoạch cụ thể về khai thác và nhập khẩu, bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than và đặc biệt là “đảm bảo giá cạnh tranh cho các NMNĐ.
Chính phủ cũng chỉ đạo EVN “xem xét khả năng các đơn vị có đủ năng lực tham gia cung ứng than cho nhu cầu các NMNĐ than, đảm bảo các yêu cầu sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật và phải có nguồn than hợp pháp” và các đơn vị cung cấp than (TKV, Tổng Công ty Đông Bắc và các đơn vị khác) phải “làm việc với EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp than ổn định và lâu dài”.
Theo thống kê, nhu cầu than cho các NMNĐ hiện lên tới gần 30 triệu tấn/năm. Thế nên, ngoài các doanh nghiệp lớn thuộc TKV, rất cần sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khác trong việc cấp than. Việc lệ thuộc vào một nhà cung cấp lớn nhiều khi gây ra không ít khó khăn cho các nhà máy. Giá bán than trong nước của TKV vẫn bị than phiền đắt đỏ hơn so với thế giới, vì giá thành khai thác than cao hơn so với mặt bằng chung. Có thời điểm, ngay tại chân nhà máy, chênh lệch giữa hai giá (than trong nước và nhập khẩu) tính ra lên tới 5 USD/tấn.
Với chủ trương mới của Chính phủ như trên, các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu than sẽ có thêm nhiều cơ hội cạnh tranh. Song thực tế cho thấy, mở rộng nhà cung cấp cũng cần phải đi đôi với quản lý chặt chẽ chất lượng than.
Theo ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương, việc xử lý tro, xỉ, khối lượng tro, xỉ phát sinh của NMNĐ than phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng than. Với than cám Altracide nội địa, tỉ lệ tro chiếm tới 30% lượng than sử dụng, trong khi đó với hầu hết than nhập khẩu (bitium) tỉ lệ này là dưới 10% (khoảng 8%). Than nhập khẩu có chất lượng tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, ngay cả than nhập khẩu chất lượng cũng không bảo đảm. Bài học tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 là một ví dụ điển hình. Gần đây, Bộ Công Thương đã thanh tra dự án này và phát hiện sai phạm nghiêm trọng trong lựa chọn nhà cung cấp than.
Theo Đề án Cung cấp than cho các NMNĐ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 5964/QĐ-BCT; NMNĐ Vũng Áng 1 thuộc nhóm các nhà máy sử dụng than trong nước (than cám 4b và cám 5). Tuy nhiên, NMNĐ Vũng Áng 1 đã sử dụng khoảng 756.000 tấn than nhập khẩu do Công ty Hoành Sơn cung cấp. Việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán than với Công ty Hoành Sơn khi chưa xem xét kỹ về nguồn gốc than của Công ty Hoành Sơn theo Thông tư số 14/2013/TT-BCT.
Sản lượng than do Công ty Hoành Sơn cung cấp cho NMNĐ Vũng Áng 1 theo các Hợp đồng ký kết, từ tháng 5/2015 đến tháng 7/2016, sản lượng mua thực tế là 790.931,76 tấn quy ẩm đạt 87,88% sản lượng ký kết. Qua hai giai đoạn thanh toán, số tiền thanh toán lên tới gần 1.500 tỷ đồng.
Cũng tại dự án này, việc tiếp nhận than bằng đường biển, trong giai đoạn 2015-2016, hệ thống tiếp nhận than có nhiều lần trục trặc phải tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa dẫn đến không đảm bảo khả năng tiếp nhận bằng đường biển theo như thiết kế và công suất quy định của hệ thống tiếp nhận than.
Được biết, việc mua bổ sung khối lượng cung cấp than với Công ty Hoành Sơn là không đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/CT-TTg. Trong quá trình triển khai mua bán than này, lãnh đạo Bộ Công thương đã ký ban hành Thông báo số 122/TB-BCT ngày 18/3/2016 có nội dung: “… Đồng ý để NMNĐ Vũng Áng 1 được thanh toán chi phí than đã mua từ nguồn khác…”; Công văn số 565/BCT-ĐTĐL ngày 19/1/2017 có nội dung “… cho phép PV Power được mua than từ Công ty Hoành Sơn…”. Tuy nhiên, công văn Công văn số 565/BCT-ĐTĐL đã nhanh chóng được “sửa sai” bằng Công văn số 989/BCT-TCNL ngày 10/2/2017 mặc dù việc mua bán số lượng than lớn trên để lại rất nhiều hệ lụy.
Qua thanh tra, Bộ Công thương phát hiện, Công ty Hoành Sơn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc than nội địa của Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Thảo Lâm và Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Triệu Phong. Việc giao nhận than không đủ sản lượng theo quy định của hợp đồng…
Bài học tại chính dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 là một ví dụ điển hình. Việc xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan đến việc buông lỏng quản lý là một trong những biện pháp “đảm bảo giá cạnh tranh cho các nhà máy nhiệt điện”… theo đúng chỉ đạo của Bộ Công thương.