Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài làm ngập và cô lập nhiều thôn, xã ở các tỉnh Bắc Trung Bộ; ít nhất 5 người chết, 2 người mất tích
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 9 đến ngày10-10, trên địa bàn nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa rất to, kéo dài liên tục, khiến nhiều thôn, xã chìm trong biển nước.
Tại tỉnh Nghệ An, sáng 10-10, nhiều tuyến đường, khu dân cư ở các phường Lê Lợi, Đông Vĩnh, Hưng Bình, Đội Cung, Quán Bàu, xã Vinh Tân và Hưng Đông của TP Vinh… bị ngập sâu 0,5-2 m. Nhiều nơi người dân phải đi lại bằng thuyền. Các trường học trên địa bàn đều bị ngập sâu, nhiều nơi học sinh phải nghỉ học.
“Tôi sống ở TP Vinh mấy chục năm rồi, chưa bao giờ thấy mưa to và nước lớn như vậy. Nước tràn vào nhà, cả thành phố nhìn đâu cũng thấy nước” – bà Trần Thị Mai (ngụ phường Lê Lợi) cho biết.
Tính đến tối 10-10, mưa lũ lớn kèm gió giật mạnh khiến 1 nhà dân tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An bị sập. Toàn tỉnh Nghệ An có 1.955 ha ngô và rau màu bị ngập; 1.000 gia cầm chết; 875 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Đáng chú ý, toàn tỉnh có ít nhất 4 người chết, 2 người mất tích do bị nước lũ cuốn trôi; 1 người chết do bị điện giật.
Mưa lớn kéo dài cũng gây ngập trên diện rộng tại Hà Tĩnh. Ở huyện miền núi Hương Khê, mưa to cùng với việc xả lũ của Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã làm các xã Phương Điền, Phương Mỹ, Lộc Yên, Hương Giang, Hương Thủy… bị chia cắt cục bộ. Còn ở huyện Vũ Quang, nhiều khu dân cư tại các xã Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Liên cũng bị cô lập.
Ngập lụt còn xảy ra ở các xã Sơn Ninh, Sơn Thịnh, Sơn Hòa, Sơn An, Sơn Tiến, Sơn Lễ, Sơn Bằng của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tại huyện Can Lộc, đập Cố Châu với dung tích gần 3.000 m3 bị vỡ gây ngập úng nặng nhiều thôn của xã Gia Hanh.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lớn đã làm nhiều căn nhà ở Hà Tĩnh sạt lở, người dân phải di dời khẩn cấp; gần 750 trường học bị ngập, hơn 300.000 học sinh trên toàn tỉnh phải nghỉ học.
Tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhiều khu phố chìm trong biển nước. Giao thông nhiều nơi bị tê liệt. Một số trường học đã phải cho học sinh nghỉ. Ở một số huyện miền núi như Quan Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh, Như Thanh, Ngọc Lặc…, mưa lớn đã chia cắt nhiều xã, bản làng; một số đập tràn bị lũ cuốn hư hỏng.
Tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, hơn 600 nhà dân ở hai xã Tượng Sơn và Tế Nông bị ngập và cô lập với bên ngoài. Ông Đỗ Quang Thơm, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn (huyện Nông Cống), xác nhận đến chiều 10-10, mưa lũ lớn cùng với việc xả lũ hồ Yên Mỹ khiến nước tiếp tục dâng cao, khoảng 500 hộ dân với 2.000 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn. “Chính quyền xã đã phải mang thuyền đưa mì tôm, nước uống và tiếp tế cho người dân. Nếu trời vẫn mưa, hồ Yên Mỹ vẫn xả lũ thì nguy cơ nhiều thôn khác sẽ bị cô lập trong đêm nay”- ông Thơm lo lắng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió Đông trên cao tiếp tục hoạt động mạnh, từ nay cho đến ngày 12-10, ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế có mưa, mưa vừa. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa to, nhiều nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-150 mm, thậm chí trên 200 mm.
Cơ quan khí tượng cũng đưa ra cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình.
Khắc phục sạt lở ở Yên Bái, Hòa Bình
Chiều 10-10, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cùng đoàn công tác của bộ đã tới hiện trường vụ sạt lở đất đá tại ga Lâm Giang, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thuộc tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai để chỉ đạo công tác khắc phục. Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), do áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, vào 20 giờ ngày 9-10, tại khu vực ga Lâm Giang xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Đất từ trên núi cao sụt trượt tràn qua đường bộ xuống đường sắt, lấp kín cả 3 đường ga, đoạn từ Km 209+960 đến Km 210+060. Khối đất lấp cao khoảng 12 m, rộng 45 m, khối lượng ước khoảng 70.000 m3. Vụ sạt lở khiến 3 đường ga bị biến dạng, đường ga số 3 bị dịch chuyển ngang khoảng 3 m (tại vị trí sát khối sụt) trên phạm vi 130 m. Đất sụt làm đổ và vùi lấp một số toa hàng đang dừng trên đường ga số 1. Sự cố khiến tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai bị tê liệt. Theo ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc VNR, trong ngày 10-10 đơn vị đã điều động nhân lực, thiết bị máy thi công của các Công ty CP Đường sắt Hà Ninh, Hà Thái, Vĩnh Phú khắc phục sự cố sạt lở. Tuy nhiên, dự kiến đến ngày 14-10 mới khắc phục xong sự cố và phải mất 4-5 ngày mới có thể thông đường. Trong khi đó, đến chiều 10-10, lực lượng chức năng đã khắc phục sự cố sạt lở đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Hòa Bình. Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 11 giờ cùng ngày, tại Km 472 + 150 đoạn qua xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy. Đất đất đá trên núi sụt xuống lấp kín hàng trăm mét đường, khiến giao thông ùn tắc nhiều giờ. Cùng với điểm sạt lở này còn có 2 điểm sạt lở tại Km 478 +200, Km 480 + 080. V.Duẩn – T.Minh – Ng.Chuyên |