Nhiều năm trở lại đây, xuất hiện hàng loạt các dự án phát triển hạ tầng du lịch được triển khai và đi vào vận hành tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng như Phú Quốc, Hoàng Liên, Bà Nà … Điều này làm dấy lên mối lo ngại về sự đánh đổi giữa phát triển kinh tế bảo tồn thiên nhiên
Làm thế nào để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển là những vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng du lịch tại Việt Nam” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Tạp chí Bảo vệ rừng và Môi trường tổ chức tại Hà Nội, ngày 4/10.
Hiện nay nước ta có khoảng 31 vườn quốc gia, 68 khu bảo tồn thiên nhiên và 45 khu bảo vệ cảnh quan … hầu hết các khu vực này đều rất đa dạng các dân tộc và nền văn hóa. Tuy nhiên, sự phát triển của những khu bảo tồn thiên nhiên này rất không đồng đều, thường chỉ tập trung vào một số địa điểm nổi tiếng quen thuộc như: Cát Bà, Phong Nha Kẻ Bàng hay Bà Nà … phần còn lại nhiều nơi chưa thực sự phát triển xứng đáng theo đúng tiềm năng của nó (vườn quốc gia Ba Bể).
Cùng với đó, các dự án khác dưới hình thức phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng đã được đề xuất triển khai ở trong và xung quanh các Khu bảo tồn thiên nhiên. Từ các dự án này, cộng đồng và tổ chức xã hội tiếp tục bày tỏ sự lo lắng rằng liệu các lợi ích phát triển có từng bước đẩy các khu bảo tồn với vai trò là “công sản quốc gia” này lâm vào tinh thế bị phá vỡ, hoặc thậm chí bị phá hủy hay không.
Bên cạnh những thế mạnh của mình, các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia này hiện đang đứng trước rất nhiều những khó khăn, hệ lụy cần phải giải quyết về: Nguồn nhân lực; chất lượng dịch vụ; các hình thức kinh doanh hay cơ chế quản lý, chính sách phát triển chưa phù hợp, chưa xứng đáng với kì vọng của đất nước.
Tại tọa đàm, TS Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học, trường ĐH KH XH&NV đã chia sẻ: Giờ đây có rất nhiều các doanh nghiệp lớn tập trung vào việc đầu tư tại các khu di lịch sinh thái như FLC hay Vingroup … dẫn tới những thách thức lớn và mối lo ngại về môi trường cũng như cảnh quan thiên nhiên nói chung. Bên cạnh đó, hầu hết các khu bảo tồn thiên nhiên và khu du lịch sinh thái của chúng ta còn bộc lộ rất nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hay cả những chính sách phát triển bền vững.
Điều này dễ dẫn đến tình trạng các khu bảo tồn thiên nhiên này phát triển nhưng chưa thực sự tương xứng. Nguyên nhân có thể do nhận thức, công tác quản lý còn lỏng lẻo hay do thiếu đội ngũ điều hành có chuyên môn mà dẫn tới tình trạng này. Một câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để vừa tập trung phát triển kinh tế thật bền vững, nhưng lại vừa phải đảm bảo giữ được hệ sinh thái một cách an toàn trước sức ép của xu thế toàn cầu hóa.
Theo TS Lê Hoàng Lan – nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh thái Môi trường – Thành viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Lâu nay nói rằng việc giảm thiểu hoặc phải bồi thường cho hệ thống sinh học nói chung là chưa đúng, phải rõ ràng thêm nữa. Khi đã xảy ra tổn thất rồi thì không thể nào mà bù đắp được. Một khi đã mất là không thể nào hoàn lại như lúc ban đầu được, không thể sai rồi mới ngồi với nhau bàn để sửa lại được. Chúng ta chỉ phát triển ở những khu được phép thôi, còn những khu bảo tồn nghiêm ngặt thì nhất định không được, theo luật đa dạng sinh học năm 2008 là như vậy.
Trong bối cảnh Luật về Bảo vệ và Phát triển Rừng, Luật Thủy sản đang được sửa đối và sắp tới là Luật Đa dạng Sinh học, việc sớm đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn trên là tối quan trọng và cần thiết; góp phần vào việc phát triển du lịch, nhưng vẫn bảo tồn, gìn giữ được môi trường.