Trưởng Ban quản lý Rừng tràm Gáo Giồng (thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) Huỳnh Thanh Hiền cho biết, đàn cò ốc bay về Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng ngày càng nhiều, từ 1.000-2.000 con năm 2014, đến nay có gần 100.000 cá thể cò ốc về đây sinh sống.
Đây là một trong những loại chim nước đang được ưu tiên bảo tồn, lưu giữ. Chúng sống từng đàn và làm tổ trên diện tích hơn 50ha trong rừng tràm Gáo Giồng.
Hiện nay, Gáo Giồng có 15 loài chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm như cò ốc, có trắng, cống cộc, nhan điển, nhan sen, diệc, vạc ,trích mồng đỏ, le le, vịt trời… Nhiều nhất vẫn là loài cò trắng, cồng cộc và cò ốc, khiến rừng tràm nơi đây được xem là vườn chim lớn nhất ngày nay ở vùng Đồng Tháp Mười.
Anh Huỳnh Thanh Hiền cho biết thêm, Gáo Giồng có tổng diện tích rừng là 1.600ha, trong đó có 1.200ha là rừng tràm, trong đó là rừng tràm sản xuất phối hợp với du lịch sinh thái.
Nơi đây có môi trường tốt, trong lành và được Ban quản lý rừng tràm bảo vệ tốt cho nên cò ốc về vườn ngày càng nhiều và về nhiều nhất là vào những tháng mùa nước.
Trước đây, chúng về để tìm kiếm thức ăn rồi bay đi nhưng hiện nay chúng về đây làm tổ và sinh sống .
Cò ốc có trọng lượng từ 1-1,8kg, sống định cư, đôi cánh màu đen-trắng bóng và đuôi có ánh lục hay tía. Bộ lông chim trưởng thành thay đổi theo mùa, thường là màu xám.
Cò ốc sống thành bầy, xây dựng một tổ gồm những que thường trên cây. Chúng chọn những chạc ba ở ngọn cây tràm làm tổ và đẻ từ 2-4 trứng. Cò ốc thường bay ra khỏi rừng từ 5-20km tìm thức ăn và bay theo đàn vài trăm hoặc vài ngàn con, đôi khi chúng bay lượn theo hình xoắn ốc.
Cò ốc thích nghi tốt với môi trường của vườn do có nhiều cây cỏ, thức ăn. Đây là vùng đất ngập nước và có nước ngọt quanh năm… nên thức ăn chủ yếu của cò ốc là các loại ốc, cua, ếch, nhái và nhiều loại côn trùng khác. Cò ốc còn giúp cho rừng tràm Gáo Giồng tiêu diệt số lượng lớn ốc bươu vàng nguy hại.
Ngoài cò ốc và nhiều loại chim khác về đây trú ngụ, sinh sống với số lượng lên đến hàng triệu con, Gáo Giồng còn có những loài chim quý hiếm và nhiều chủng loại khác về ngày càng đông.
Do rừng tràm có môi trường tốt, mực nước các khu vực trong rừng được đảm bảo trữ nước quanh năm nên các loài thủy sinh, thủy sản phát triển nhanh; thảm thực vật cũng được phục hồi và phát triển nhanh trong mùa nước là điều kiện thích hợp để các loài chim về đây quần tụ kiếm ăn.
Lúc bình minh hay hoàng hôn, rừng tràm Gáo Giồng sống động, nhộn nhịp hẳn lên với tiếng chim gọi đàn và từng đàn cò trắng, cò ốc từ bốn phương trở về tổ.
Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng hiện nay tổ chức cho khách du lịch đi bằng thuyền đến tận sân chim và tận mắt ngắm nhìn (khoảng cách từ 5-10 mét) cò ốc làm tổ, đút mồi cho con ăn hoặc xem nhiều loài chim khách về đây vui hót, sinh sống.