Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định về quản lý an toàn đập.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hồ chứa nước là công trình lợi dụng tổng hợp nguồn nước nhằm cung cấp nước cho các ngành kinh tế quốc dân, cắt giảm lũ, phát điện và cải thiện môi trường. Đến nay, cả nước đã đầu tư xây dựng gần 7000 hồ chứa các loại, các hồ chứa này đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt đã góp phần vào sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Ở nước ta hiện nay, các đập của hồ chứa nước hầu hết là đập đất, được xây dựng cách đây 30 – 40 năm trong thời kỳ đất nước có nhiều khó khăn, trình độ kinh tế – xã hội còn thấp, nhu cầu dùng nước chưa cao, tiêu chuẩn thiết kế thấp các nguồn vốn đầu tư thủy lợi còn hạn hẹp, năng lực khảo sát thiết kế thi công, quản lý còn nhiều bất cập nên công trình đã xây dựng không tránh khỏi các nhược điểm: chưa đồng bộ, chất lượng thấp, thiếu mỹ quan, chưa thật an toàn. Trải qua thời gian dài khai thác, hầu hết các công trình đều có hư hỏng, xuống cấp hiện đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hồ chứa. Nếu xảy ra sự cố, đặc biệt là vỡ đập sẽ gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân vùng hạ du.
Vì vậy, trong những năm qua công tác quản lý an toàn đập được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Để tạo cơ sở pháp lý thực hiện quản lý nhà nước về an toàn đập, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 về quản lý an toàn đập (Nghị định 72).
Sau 10 năm thực hiện, Nghị định 72 đã bộc lộ một số hạn chế như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định này chưa quy định về quản lý an toàn công trình đập dâng.
Bên cạnh đó, theo phân loại tại Nghị định 72, đập gồm 3 loại: Đập quan trọng quốc gia; đập lớn (đập cao >15m hoặc đập của hồ chứa có dung tích trữ > 3,0 triệu m3) có 800 đập và hơn 6000 đập là đập nhỏ, trong đó có những hồ chứa có dung tích rất nhỏ. Đập có chiều cao < 5m hoặc hồ chứa có dung tích < 50.000m3 là các đập, hồ không phức tạp về mặt kỹ thuật trong xây dựng và quản lý vận hành, hầu hết là do tư nhân đầu tư xây dựng để nuôi trồng thủy sản và trữ nước phục vụ sản xuất nhỏ lẻ. Mặt khác, các đập, hồ này khi xảy ra sự cố cũng ảnh hưởng ít đến an toàn hạ du. Việc đưa các đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định, bắt buộc phải thực hiện các quy định về quản lý an toàn như: Kiểm định; lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du; lập quy trình vận hành… là không cần thiết.
Trong Nghị định 72 chưa phân định rõ trách nhiệm của chủ đập và chủ quản lý, do vậy chưa rõ trách nhiệm của chủ thể cấp kinh phí và chủ thể thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập như: Bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên, kiểm định an toàn đập, sửa chữa, nâng cấp đập, lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du, cắm mốc phạm vi bảo vệ đập. Các quy định về phân công, phân cấp vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước giữa các Bộ, ngành và địa phương, về quản lý an toàn đập chưa đầy đủ và rõ ràng…
Để hạn chế những hạn chế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Nghị định về quản lý an toàn đập thay thế Nghị định 72.
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 30 điều. Bên cạnh những quy định chung, Bộ đã đề xuất những quy định cụ thể về quản lý an toàn đập trong giai đoạn xây dựng; quản lý vận hành đập; quản lý nhà nước về an toàn đập…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.