Thúc đẩy hợp tác quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Kông

Ngày 27/9, Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á đã tổ chức Hội thảo Quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Kông tại Jakarta.

Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành của Indonesia, đại diện một số Đại sứ quán các nước lưu vực sông Mê Kông, các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động môi trường…

Hội thảo nhằm đề xuất các khuyến nghị toàn diện về quản lý tài nguyên nước sông Mê Kông; giới thiệu và thúc đẩy một số dự án có giá trị thực tiễn đối với quản lý tài nguyên nước bền vững ở sông Mê Kông, đồng thời đưa ra các giải pháp đối phó với những nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt đang đe dọa dòng sông này.

Hai phiên của hội thảo tập trung vào các nội dung: Hiện trạng quản lý tài nguyên nước sông Mê Kông và hướng tới nguồn tài nguyên nước bền vững; An ninh nguồn nước sông Mê Kông và tác động của nó đối với ổn định khu vực.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Tiến sỹ Arisman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á nhấn mạnh nếu các quốc gia ở thượng nguồn dòng sông không sử dụng bền vững nguồn nước sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia vùng hạ lưu, trong đó có các nước sản xuất nhiều lúa gạo như Thái Lan hay Việt Nam.

Bởi vậy, tiến sỹ Arisman cho rằng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải cùng nhau hành động để bảo vệ lợi ích cũng như đảm bảo sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước của dòng sông, đồng thời cần đưa vấn đề quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Kông vào nội dung thảo luận tại các cuộc họp của ASEAN và đây cũng nên là lĩnh vực hợp tác quan trọng không chỉ của các nước trong lưu vực sông Mê Kông mà của cả 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Bà Laksmi Dhewanthi, chuyên gia của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết sông Mê Kông không chỉ cung cấp nguồn nước quan trọng mà còn đem lại nhiều lợi ích về thủy sản cũng như môi trường cho các nước trong lưu vực.

Do đó, các quốc gia cần phải có trách nhiệm và cùng hợp tác để sử dụng bền vững nguồn nước của dòng sông này.

Tham dự hội thảo, các đại biểu cũng phân tích những thách thức lớn trong việc quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Kông, trong đó có khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, mức độ hội nhập quốc tế, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Để giải quyết các thách thức này, các chuyên gia đã đề cập một số giải pháp như gắn kết hợp tác giữa các nước trong lưu vực sông Mê Kông; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt trong ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai và bảo vệ và phát triển hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực; xây dựng Chương trình hành động tổng thể gắn với trách nhiệm của mỗi quốc gia; huy động nguồn lực cho các dự án liên quan đến dân sinh trong khu vực…

Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới với chiều dài 4.800km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và đổ ra Biển Đông.

Tổng diện tích lưu vực sông Mê Kông bao gồm 795.000 km2 và có 73 triệu dân cư sinh sống.

Sông Mê Kông có nhiều chức năng, là nguồn cung cấp nước cho thủy điện; hỗ trợ sinh kế của cộng đồng, đặc biệt là ngành thủy sản, cung cấp nước cho sản xuất lúa gạo, cung cấp nước sinh hoạt, là một tuyến giao thông quan trọng và một khu vực du lịch tiềm năng.

Nguồn: