ThienNhien.Net – Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, nhiều nội dung của Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Việc sửa đổi, bổ sung luật này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thuế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế.
Chi cho bảo vệ môi trường thấp hơn số thu
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) liên tục tăng ổn định qua các năm. Năm 2016, sau khi điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu từ 1.000 đồng/ lít lên 3.000 đồng/ lít, tổng thu thuế BVMT đã đạt 42.393 tỷ đồng, chiếm 4,08% tổng thu ngân sách.
Mặc dù vậy, chi cho BVMT vẫn thấp hơn số thu. Năm 2015, tổng chi sự nghiệp môi trường là 11.400 tỷ đồng chưa bằng một nửa số thu 27.020 tỷ đồng, năm 2016 số chi chỉ hơn ¼ số thu được tức là chỉ đạt 12.290 tỷ đồng.
Thậm chí con số chi cho sự nghiệp môi trường trong cả giai đoạn 2011-2015, chỉ đạt 47.452 tỷ đồng, tức là chỉ cao hơn chút ít so với số thu thuế BVMT của cả năm 2016. Trong số đó, còn có chi cho các hoạt động kinh tế của ngân sách trung ương như các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo,… là những hoạt động của lĩnh vực tài nguyên và các hoạt động kinh tế liên quan.
Điều đó cho thấy, thực tế số chi cho BVMT còn ít hơn nhiều.
Bàn về vấn đề này PGS.TS Lê Thu Hoa Khoa Môi trường và Đô thị, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Luật Thuế BVMT 2010 và dự thảo Luật sửa đổi 2017 chỉ quy định việc thu thuế mà không hề có bất cứ điều khoản nào quy định thuế BVMT sẽ được quản lý và sử dụng như thế nào.
Đây là một thiếu sót rất lớn, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và doanh nghiệp về sự minh bạch trong thu, chi thuế BVMT thời gian qua.
Để cơ cấu lại nguồn thu thì có thể tăng thuế BVMT để bù cho giảm thuế nhập khẩu, nhưng theo TS Hoa, dự thảo Luật vẫn cần bổ sung các điều khoản quy định về quản lý và sử dụng số thu, bảo đảm chi đủ cho các mục tiêu môi trường đồng thời quy định minh bạch nguồn thu, chi từ thuế BVMT để người dân và các doanh nghiệp dễ dàng theo dõi.
Xem xét tăng mức thuế với than
Không chỉ minh bạch trong việc thu chi từ thuế BVMT, việc quy định đối tượng chịu thuế và mức thuế trong sửa đổi, bổ sung luật thuế BVMT cũng cần được cân nhắc điều chỉnh.
Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổng phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính do tất cả các hoạt động đốt nhiên liệu của Việt Nam năm 2014 là 143,3 triệu tấn, trong đó đốt than đá đóng góp 55%, đốt xăng dầu chiếm 30% và khí đốt chiếm 15%. Như vậy, than đá chính là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí lớn nhất, có tính chi phối tại Việt Nam. Chưa kể xỉ tro từ đốt than cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường và chiếm giữ không ít diện tích đất.
Mặc dù than đá gây ô nhiễm và mức độ tác động đến môi trường cao hơn nhiều so với xăng dầu, nhưng dường như than đang được “ưu ái” với khung mức thuế thấp so với xăng dầu.
Khung mức thuế xăng hiện cao gấp 80 – 100 lần, dầu diesel cao gấp 40 – 50 lần mức khung thuế đối với than đá. Theo dự thảo Luật 2017, khoảng chênh lệch này sẽ tiếp tục gia tăng. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho đầu tư phát triển các ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều than đá, có nguy cơ ô nhiễm cao như nhiệt điện than, công nghiệp luyện thép, ximăng, hóa chất… tăng cao trong thời gian qua.
Từ thực tế trên TS Hoa nhận định, mặc dù than đá khai thác trong nước đã là đối tượng của thuế tài nguyên và các loại phí như phí BVMT đối với nước thải, phí khai thác khoáng sản… nhưng đó mới chỉ là trong khâu khai thác. Cần xem xét tăng mức thuế, khung thuế BVMT đối với sử dụng than, bao gồm cả than khai thác trong nước và than nhập khẩu.
Cũng liên quan đến đối tượng chịu thuế, TS Hoa bày tỏ đã đến lúc nghiên cứu để đưa các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường như sản phẩm điện tử, điện gia dụng, ắc quy, lốp xe hay chất tẩy rửa tổng hợp vào danh mục đối tượng chịu thuế.
Hiện tại ở Việt Nam, các sản phẩm điện tử, điện gia dụng, ắc quy, lốp xe, chất tẩy rửa…đều là những sản phẩm có khối lượng sử dụng và thải bỏ tăng nhanh qua các năm (riêng chất thải điện tử khoảng 90.000 tấn/ năm), có tác động rất đáng kể đối với môi trường và sức khỏe con người, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Nhiều loại trong số này là chất thải nguy hại,nhưng vẫn bị vứt bỏ tùy tiện cùng với chất thải rắn sinh hoạt, trong khi giá dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất thấp.
“Việc đánh thuế các sản phẩm này là cần thiết để điều chỉnh giảm mức tiêu dùng, đồng thời tạo nguồn kinh phí cho hệ thống thu gom và xử lý theo cách thức riêng với chi phí cao” – TS Hoa đề xuất.