ThienNhien.Net – Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đề xuất áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”: Ưu tiên thực hiện trước những hành động ít rủi ro sai lầm khó sửa chữa được. Tôn trọng quy luật tự nhiên…
ÐBSCL là vùng châu thổ phì nhiêu, hội tụ đủ điều kiện cả về nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ sản và du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đã và đang diễn ra tại ĐBSCL 25 năm nay và ngày càng dữ dội trong thời gian gần đây. Hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL sạt lở, với tổng chiều dài sạt lở lên đến 891km.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho biết: ĐBSCL đang đối mặt với 3 thách thức lớn là biến đổi khí hậu, các vấn đề nội tại về phát triển thiếu bền vững và tác động của các đập thủy điện trên sông Mekong.
“Biến đổi khí hậu là sự thay đổi về nhiệt độ, mưa, gió, bão, nước biển dâng, và những hiện tượng cực đoan như El Nino gây hạn mặn mùa khô năm 2016. Sụt lún nghiêm trọng xảy ra do sử dụng nước ngầm quá mức, do khai thác nước ngầm ven biển và ô nhiễm nước mặt sông rạch ở vùng nội địa. Còn vấn đề sạt lở, nguyên nhân chính là do phù sa mịn và thiếu cát”, ông Thiện phân tích.
Ngoài ra, ĐBSCL còn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước, không khí do canh tác thâm canh 3 vụ lúa liên tục, dinh dưỡng đất cạn kiệt, sử dụng nhiều phân bón…
Ông Thiện đặc biệt lưu ý việc lượng phù sa mịn đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn còn 83 triệu tấn. Nguyên nhân chính là do tác động của các đập thuỷ điện trên sông Mekong.
Ông dự báo, khi 11 đập ở hạ lưu vực hoàn thành, phù sa mịn sẽ giảm 50% và 100% cát, sỏi sẽ bị chặn lại.
Còn ông Trần Hữu Hiệp, ủy viên chuyên trách kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định: ĐBSCL đang đứng trước 3 tầng thách thức, trước hết là thách thức toàn cầu. Giữa bối cảnh hội nhập và cạnh tranh đang tác động đến nhiều quốc gia, trong đó ĐBSCL với “tư cách” là một nền nông nghiệp thủy sản của Việt Nam được xác định là một trong 3 vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Thứ hai là thách thức khu vực. ĐBSCL với lịch sử phát triển dựa vào tài nguyên đất và nước, nhưng đang phải đứng trước sự sụt giảm và suy thoái nghiêm trọng những tài nguyên này. Thứ ba là thách thức từ chính nội tại của vùng với những bất cập trong mô hình phát triển nông nghiệp truyền thống lạc hậu.
Theo ông Hiệp, những thách thức này đòi hỏi vùng ĐBSCL phải có sự chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp để thích ứng BĐKH.
Nguyên tắc ‘không hối tiếc’
Theo các chuyên gia, cần chú trọng công tác quy hoạch, nhu cầu sử dụng nguồn lực, bố trí nguồn lực, phối hợp ứng phó… Đặc biệt, ĐBSCL là vùng nông nghiệp thủy sản, nên việc chuyển đổi phải kèm theo sự đảm bảo hạ tầng giao thông, thủy lợi cho phù hợp; tìm giải pháp thích ứng với BĐKH.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đề xuất áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”: Ưu tiên thực hiện trước những hành động ít rủi ro sai lầm khó sửa chữa được. Tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; không thực hiện những công trình lớn, can thiệp dòng chảy làm ảnh hưởng thủy triều.
Thứ hai về nông nghiệp, vì canh tác thâm canh 3 vụ liên tục trong đê bao khép kín làm cạn kiệt đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh lương thực về sau. Đê bao khép kín làm gia tăng ngập lụt vào mùa lũ, gia tăng hạn mặn ven biển vào mùa khô. Canh tác 3 vụ lúa tính đúng, tính đủ chi phí không làm cho người dân thoát nghèo, không giúp quốc gia giàu lên. Canh tác thâm canh sử dụng nhiều phân bón, nông dược gây ô nhiễm nguồn nước mặt, tăng sử dụng nước ngầm, gây sụt lún đất nhanh hơn, vì vậy cần đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Chuyển hướng dần sang canh tác bền vững, chú trọng chất lượng hơn số lượng.
Về công nghiệp, ô nhiễm nguồn nước mặt dẫn đến khai thác nước ngầm quá mức khiến ĐBSCL chìm xuống nhanh hơn. Muốn tăng giá trị nông nghiệp, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp. Tránh công nghiệp ô nhiễm nước, không khí và nguồn nước.
Thứ tư, sụt lún đang diễn ra nhanh gấp nhiều lần nước biển dâng. Nguyên nhân do khai thác nước ngầm, vì vậy phải xem sụt lún phải được xem là vấn đề cấp bách. Ở vùng ven biển, áp dụng công nghệ lọc nước biển để cấp nước sinh hoạt (Nano, RO); chuyển đổi canh tác sang hệ thống canh tác mặn, lợ bền vững ít phụ thuộc nước ngọt; vùng nội địa, giảm canh tác thâm canh để giảm ô nhiễm.
Thứ năm, về vấn đề sạt lở. Khi thiếu phù sa, thiếu cát, sạt lở sẽ diễn ra trầm trọng hơn, khó cưỡng lại cho đến khi dòng sông tìm được điểm cân bằng mới, vì thế phải quản lý khai thác cát, tránh khai thác tràn lan, quá mức. Lập bản đồ rủi ro sạt lở bờ sông để chủ động di dời người dân, tránh thiệt hại. Tránh những công trình lớn, can thiệp sai quy luật, đắt đỏ và kém hiệu quả.
“Cần tiếp cận tổng thể ĐBSCL về không gian. Đẩy mạnh thực hiện liên kết vùng theo Quyết định 593 của Chính phủ. Ngoài ra, cần tính đến vùng nước biển ven bờ, có liên hệ chặc chẽ về sinh thái với ĐBSCL, là một phần quan trọng của nền kinh tế trong vùng. Tránh cách làm cục bộ theo địa phương. Tránh cách làm theo kiểu “uống thuốc giảm đau”, thấy đâu trị đó, ngắn hạn mà cần phục hồi sức khỏe của hệ thống kinh tế, xã hội, môi trường”, ông Thiện nói.
Theo chuyên gia, hành động thích ứng cần phải dựa vào sự hiểu biết và tôn trọng quy luật tự nhiên ở ĐBSCL đặt trong bối cảnh tổng thể, xem xét đầy đủ chi phí và lợi ích cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà từng nhận định: “Trước tác động của biến đổi khí hậu, ÐBSCL hôm nay không còn là vùng đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài như trước đây. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển. Chúng ta không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững. Biến thách thức do biến đổi khí hậu để ĐBSCL phát triển lâu dài”.