ThienNhien.Net – Trung Quốc và Ấn Độ có thể đã tháo ngòi cuộc xung đột biên giới nhưng tình trạng căng thẳng đó dường như lan sang một vấn đề khác: Tranh chấp nguồn nước.
New Delhi cho hay không nhận được bất kỳ dữ liệu thủy văn nào của dòng sông Brahmaputra từ thượng nguồn ở Trung Quốc vào mùa gió mùa năm nay mặc dù đã có thỏa thuận từ trước. Brahmaputra, một trong những dòng sông lớn nhất ở châu Á, xuất phát ở Tây Tạng và đổ xuống Ấn Độ trước khi vào Bangladesh, từ đây nó hòa vào dòng sông Ganges và đổ ra vịnh Bengal.
Tuần trước, Bắc Kinh viện cớ các trạm thủy văn của nước này đang được nâng cấp nên không thể chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, đài BBC phát hiện Trung Quốc vẫn cung cấp dữ liệu dòng sông trên với Bangladesh.
Bộ trưởng Nguồn nước Bangladesh Anisul Islam Mohammad xác nhận họ nhận được từ Trung Quốc dữ liệu về mực nước và mức độ dòng chảy của sông Brahmaputra. Còn đối với Ấn Độ, Trung Quốc đã bóng gió không chắc chắn nối lại việc chia sẻ dữ liệu.
Vấn đề dữ liệu về dòng sông kể trên nảy sinh sau khi Trung Quốc và Ấn Độ kết thúc sự đối đầu căng thẳng kéo dài hơn 2 tháng tại khu vực biên giới Himalaya.
Lưu vực sông Brahmaputra bị lũ lụt nghiêm trọng vào mùa gió mùa hằng năm, gây ra những thiệt hại to lớn ở Đông Bắc Ấn Độ và Bangladesh. Hai nước này đã thỏa thuận với Trung Quốc về việc chia sẻ dữ liệu thủy văn vào giai đoạn gió mùa, từ ngày 15-5 đến 15-10. Dữ liệu này chủ yếu là mực nước sông để báo động cho các quốc gia ở hạ nguồn trong trường hợp lũ lụt.
Ngoài ra, New Delhi cũng yêu cầu cung cấp dữ liệu về dòng chảy của Brahmaputra vào các thời điểm khác trong năm bởi dư luận ở Ấn Độ nghi ngờ Trung Quốc có thể nắn dòng sông chảy vào các khu vực khô hạn ở nước này trong mùa khô.
Trên thực tế, Bắc Kinh đã xây dựng một số đập thủy điện trên Brahmaputra. Tuy vậy, họ luôn nói không lưu trữ nước hoặc làm chệch hướng dòng chảy cũng như sẽ không có hành động đi ngược lại với quyền lợi các quốc gia ở hạ lưu.
Mấy năm gần đây, cư dân ở Ấn Độ – đặc biệt là ở miền Đông Bắc nước này – còn có mối e sợ ngày càng lớn khác: Trung Quốc có thể bất thình lình xả ra một lượng nước khổng lồ. Riêng ở TP Dibrugarh thuộc bang Assam, nơi dòng Brahmaputra có một nhánh rộng, cư dân quả quyết họ đã chứng kiến mực nước sông lên xuống đột ngột trong khoảng thời gian rất ngắn.
Thế nhưng, là quốc gia thượng nguồn đối với Bangladesh và Pakistan trên dòng Brahmaputra, Ấn Độ cũng bị các nước này cáo buộc phớt lờ nỗi lo lắng của họ. Các nhà chuyên môn khẳng định đây là chứng cứ cho thấy nước đang thực sự là một vấn đề then chốt trong tình hình địa chính trị ở Nam Á.