Tình trạng người dân bỏ làng mới về nơi ở cũ ngày càng trở nên phổ biến khi đất sản xuất tại nơi ở mới không đủ đáp ứng cho cuộc sống.
Tốn hàng tỷ đồng đầu tư nhưng nhiều ngôi làng tái định cư tại huyện nghèo Kbang, tỉnh Gia Lai không đạt hiệu quả như mong đợi. Tình trạng người dân bỏ làng mới về nơi ở cũ ngày càng trở nên phổ biến khi đất sản xuất tại nơi ở mới không đủ đáp ứng cho cuộc sống. Thực trạng này khiến cái nghèo, cái khó mãi đeo đẳng các thôn làng, công tác an sinh xã hội, quản lý nhân hộ khẩu, bảo vệ rừng ở địa phương, đều gặp khó khăn.
Làng Pngal, xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai nằm sát vùng đệm của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ngôi làng tái định cư được xây dựng khang trang với gần 90 nóc nhà, phục vụ cuộc sống của khoảng 400 nhân khẩu nhưng nhiều năm qua luôn trong cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều ngôi nhà đã bị bỏ hoang ngay từ khi mới xây dựng.
Theo ông Đinh Xoanh, Trưởng làng Pngal, nhiều hộ trong làng đã bỏ những ngôi nhà khang trang, trở về nơi ở cũ, làm chòi tạm sống trong rừng: “Bà con về làng tái định cư nhưng ở đây thì rất khó khăn về đất sản xuất. Đã thiếu đất rồi lại không có nước tưới. Ruộng thì có 1 sào nhưng ruộng chỉ 2,3 tháng là hết nước. Khó khăn quá nên bà con bỏ về lại làng cũ trong rừng để sống.”
Cũng tại xã căn cứ cách mạng Krong, làng Tung và Gút được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn chục tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2007-2010. Nhà ở, điện, đường, trường, trạm đều có đủ, nhưng thiếu đất sản xuất, nghèo đói mãi đeo bám bà con.
Thống kê năm 2016, làng Tung có 53/69 hộ là hộ nghèo, còn làng Gút, cũng có tới gần 70 hộ trên tổng số 84 hộ là hộ nghèo. Với thực trạng này, điều tất yếu đã xảy ra, nhiều hộ bỏ làng tái định cư, trở về làng cũ ở sâu trong rừng.
Ông Đinh Ble, Phó Chủ tịch UBND xã Krong, huyện Kbang, cho rằng, để đẩy lùi cái nghèo ở những làng tái định cư trong xã thì huyện và tỉnh cần tăng cường đầu tư để giúp người dân khắc phục khó khăn: “Hiện nay, bà con đang gặp khó khăn về sản xuất. Bà con chủ yếu là làm lúa rẫy, năng suất rất thấp, khó để đảm bảo cuộc sống. Để mà ổn định cuộc sống của bà con, địa phương cũng mong muốn và kiến nghị các cấp có thẩm quyền phải có đầu tư mạnh về sản xuất, tạo điều kiện cho bà con có thu nhập sau này”.
Cùng với những ngôi làng tái định cư, định canh theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tại huyện Kbang còn có nhiều ngôi làng tái định cư do phải nhường đất cho các dự án thủy điện. Tuy nhiên, những bất cập trong cấp đất, tạo điều kiện sản xuất cho bà con ở các làng, đã khiến tình trạng bỏ nhà tái định cư để trở về làng cũ, phát nương làm rẫy trở nên phổ biến. Hệ lụy là rừng bị phá, tỷ lệ đói nghèo cao và các em học sinh cũng phải nghỉ học để theo cha mẹ.
Ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho biết, huyện đã nắm được vấn đề và đã chỉ đạo các ngành tiến hành kiểm tra, rà soát để làm rõ nguyên nhân và có các giải pháp khắc phục.
“Mặc dù trong quá trình tái định canh, tái định cư có đất, chứ không phải không, tuy nhiên người dân chưa sử dụng. Sắp tới, đánh giá lại quỹ đất đó có phù hợp không rồi rà soát quỹ đất sau quy hoạch 3 loại rừng để rồi tiếp tục xem xét giải quyết đất tái định canh cho bà con. Cùng với đó là tập trung các chương trình cải tạo đất, vận động, tuyên truyền dân sản xuất làm sao có hiệu quả” – ông Phán cho biết.
Trong khi chờ đợi các giải pháp căn cơ từ phía chính quyền địa phương, người dân ở những ngôi làng tái định cư, tái định canh ở huyện nghèo Kbang vẫn đang từng ngày đối mặt với những khó khăn trong việc tìm kế mưu sinh. Và nếu không sớm khắc phục, rừng vẫn sẽ còn tiếp tục bị xâm hại, những ngôi nhà tái định cư sẽ vẫn còn bị bỏ hoang ngày một nhiều hơn.