ThienNhien.Net – Tròn một năm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Thế nhưng, rừng Tây Nguyên vẫn chịu nhiều áp lực, trong đó đáng chú ý là tình trạng vi phạm lâm luật vẫn đang tái diễn.
Theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện tại khu vực Tây Nguyên còn 3.326.647ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó diện tích rừng là 2.558.646ha, tỷ lệ độ che phủ đạt 43,5%. Hiện nay, hầu hết diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên được giao cơ quan, đơn vị và người dân quản lý, bảo vệ. Cụ thể, giao các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vườn quốc gia quản lý 1.263.270ha; công ty lâm nghiệp Nhà nước quản lý 920.242ha; hộ gia đình và cộng đồng dân cư quản lý 128.781ha; UBND các cấp quản lý 716.320ha và các tổ chức kinh tế khác quản lý 211.270ha.
Thế nhưng, kết quả kiểm tra của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Chi cục Kiểm lâm vùng 4 (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mới đây cho thấy, so với năm 2015, diện tích rừng ở khu vực Tây Nguyên đã giảm 3.323ha, bình quân mỗi năm giảm hơn 1000ha. Đáng chú ý là diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao cho các chủ rừng quản lý đều xảy ra tranh chấp, với tổng diện tích 282.896ha. Nghiêm trọng hơn, do thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý, nên các chủ rừng đã để 487.096ha rừng, đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm. Trong đó, rừng do UBND xã quản lý bị phá và lấn chiếm 209.993ha (chiếm 29,32% so tổng diện tích được giao quản lý); ban quản lý rừng để bị phá và lấn chiếm 112.130ha.
Theo ông Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Thực hiện Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22-7-2016 của Văn phòng Chính phủ về thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020; tỉnh ủy, UBND các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và chủ rừng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn Tây Nguyên đã phát hiện và xử lý 1.512 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 577 vụ phá rừng, diện tích rừng bị chặt phá 292ha (giảm nhiều so với những năm trước). Về trồng rừng, trong năm 2017, thực hiện kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã trồng mới 12.559ha rừng tập trung, hơn 4,57 triệu cây phân tán và chăm sóc 21.581ha rừng trồng.
Nhằm hạn chế tình trạng người dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất, từ năm 2001 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai 57 dự án, bố trí, sắp xếp ổn định được 15.400 hộ, hiện còn 20.711 hộ chưa được bố trí, sắp xếp ổn định. Trong đó, 1.064 hộ thật sự khó khăn, chưa có đất ở và đất sản xuất. Nếu số hộ này không được hỗ trợ định canh, định cư vững chắc thì khó tránh khỏi việc người dân sẽ lấn chiếm, chặt phá rừng trái phép để lấy đất ở, đất sản xuất. Một áp lực nữa đối với rừng Tây Nguyên là, hiện toàn vùng còn 2.062 cơ sở chế biến lâm sản và đồ mộc. Trong đó, nhiều cơ sở nằm gần rừng, thậm chí trong rừng. Các cơ sở này đã và đang tiêu thụ lâm sản khai thác trái phép từ rừng, khiến việc kiểm soát của chủ rừng, lực lượng chức năng thêm khó khăn.
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với các tỉnh Tây Nguyên là bên cạnh việc tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, nâng cao trách nhiệm của chủ rừng và cấp ủy, chính quyền địa phương theo Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tìm giải pháp giảm áp lực đối với rừng, như hỗ trợ dân di cư tự do định canh, định cư; giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động sống gần rừng và trong rừng, không để xảy ra tình trạng bà con thiếu việc làm tham gia vào đội quân “khai thác lâm sản trái phép” để kiếm sống; kiên quyết di dời, đóng cửa những cơ sở chế biến lâm sản hoạt động gần rừng, trong rừng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc khẳng định: “Cần hoàn chỉnh quy hoạch, quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp một cách thống nhất, khoa học và chặt chẽ; bổ sung xây dựng hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để phát triển lâm nghiệp bền vững; chăm lo tốt đời sống cho lực lượng lao động trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng”. Về định hướng lâu dài, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đạn 2016-2025”. Các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1685/CT-TTg, ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ”.