Ngày 7-9, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin, hiện địa phương đang tiến hành phục hồi các tập đoàn san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo.
Theo đó, sau khi hoàn thành, các rạn san hô tại vùng biển Côn Đảo sẽ được phục hồi, kéo theo là sự phục hồi đa dạng sinh học biển, nhất là các loài thủy sinh vật sống, sinh sản trong rạn san hô, các nguồn lợi về tài nguyên biển cũng sẽ tái tạo nhanh, môi trường biển trong lành.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phối hợp Vườn quốc gia Côn Đảo tổ chức các khóa tập huấn truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phục hồi và bảo vệ các rạn san hô trong vùng.
Trước đó, theo thông tin từ Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), một lượng lớn san hô tại Côn Đảo đã bị tẩy trắng và chết trên diện tích khoảng từ 600ha đến 800ha. Hiện tượng san hô bị tẩy trắng diễn ra rất nhanh, có nơi lên đến 70%.
Các nhóm, loài san hô bị tẩy trắng và chết chủ yếu là san hô khối, san hô cành, nhóm san hô phiến và nhóm loài san hô nấm. Độ sâu các loài san hô bị tẩy trắng từ 3m đến 15m (từ mức triều cạn đến độ sâu hết phân bố rạn san hô).
Qua khảo sát, nguyên nhân khiến tình trạng trên xảy ra do nhiệt độ nước biển nóng lên hơn mức bình thường và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài…
Hình ảnh một số rạn san hô bị tẩy trắng ở Khu Ramsar Côn Đảo: