ThienNhien.Net – PGS.TS Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu CEWAREC đã chia sẻ với báo chí như vậy, tại Hội thảo “Hiểu đúng về năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam” mới diễn ra.
PV: Hiện nay có ý kiến ủng hộ nhiệt điện than, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nhiệt điện than ảnh hưởng lớn đến môi trường. Quan điểm của ông về vấn đề này?
PGS.TS Đào Trọng Tứ: Theo nghiên cứu, các nhà máy nhiệt điện than ở đâu thì môi trường nước, sông ở khu vực ấy sẽ chịu tác động rất lớn nếu chúng ta không có những biện pháp tốt, tích cực để đảm bảo cho môi trường nước. Bởi nguồn nước là nguồn cung cấp vô cùng quan trọng bị tác động. Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam, chúng ta cứ nghĩ thủy điện là sạch sẽ. Sự thật không phải vậy. Mặc dù nó đã phát triển gần hết (85%) từ cách đây mấy năm. Vấn đề đặt ra, trong tốc độ phát triển điện dưới 10% lấy cái gì để đáp ứng cho nhu cầu ấy thì đây là một bài toán rất khó.
Nhiệt điện than hiện nay vẫn được coi là cái ưu tiên của chính sách phát triển điện. Vừa rồi chúng ta có một chiến lược phát triển Đồng bằng sông Cửu Long có đến 14 nhà máy nhiệt điện. Riêng tại Vĩnh Tân đã có 4-5 nhà máy, và liên quan đến việc thải và tác động môi trường là rất rõ. Vậy ý kiến giữa ủng hộ và phản đối nhiệt điện than đều có cái lý của họ. Cách đây 2 năm khi tôi đi Đức trong hoạt động Quỹ Rosa, tôi phát hiện ra, Năng lượng tái tạo (NLTT) là một bước chuyển biến mà người Việt chúng ta có lẽ phải nghĩ đến.
Tuy câu chuyện ở Việt Nam còn chưa rõ lắm, nhưng ở Đức hiện nay, NLTT của họ bao gồm: gió, mặt trời, sinh khối,… đã tạo nên công suất máy 65.000 MW. Mà ở Việt Nam (chỉ tính NLTT) mới có >40.000 MW. Rõ ràng, đối với một đất nước nhiệt đới như chúng ta, diện tích cũng tương đương với Đức, nếu có một chính sách tốt, chiến lược tốt, với một đất nước đông dân như chúng ta, vấn đề tác động đất đai còn hạn hẹp thì vấn đề phát triển NLTT để bảo đảm cuộc sống phát triển một cách bền vững vì “sức khỏe” của cả con người và môi trường thì đấy là một trong những điều tôi thấy chúng ta hoàn toàn có thể trông chờ, kì vọng vào câu chuyện này.
PV: Hiện nay, các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện pin mặt trời, có một vài dự án không được cấp phép đầu tư, bởi các tỉnh đăng ký vào không có quy hoạch cho nên họ không có quỹ đất, vấn đề này được giải quyết như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Đào Trọng Tứ: Đây chính là vấn đề đặt ra chúng ta cần hiểu đúng về NLTT và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam. Bởi, người ta thường nghĩ NLTT thì đầu tư sẽ tốn kém và đắt tiền, và một vấn đề nữa mà chúng ta nghĩ đến là nếu chuyển hết thành NLTT thì than, dầu sản xuất cho ai, ô tô mà biến thành ô tô điện hết thì sản xuất cho ai. Đây chỉ là một câu chuyện vui, nhưng với sức ép của môi trường, cuộc sống con người hiện nay, sự phát triển bền vững cần đến sự lựa chọn NLTT, chúng ta không thể loại bỏ được hết nhưng chúng ta sẽ dần dần giảm nó đi.
PV: Theo ông, làm thế nào để phát triển NLTT trong bối cảnh thủy điện của chúng ta đang chiếm tỷ lệ cao?
PGS.TS Đào Trọng Tứ: Nước lại khác với mặt trời và gió một chút, nhưng chúng ta hoàn toàn có điều kiện để phát triển gió và mặt trời mà ít tác động đến môi trường, tất nhiên không phải là không tác động, nếu nói chuyện về gió thì cũng có tác động nhưng tác động này là rất nhỏ. Và đấy là những nguồn tương đối vĩnh cửu để chúng ta tính tới phát triển NLTT.
NLTT sẽ được phát triển và tương lai phụ thuộc vào công nghệ và thời gian. Nếu anh kìm hãm công nghệ là kìm hãm năng lượng, nếu công nghệ “bung” ra và cho giải quyết những vấn đề NLTT có thể giải quyết được. Chúng ta thấy giá điện như một chuyên gia từng phát biểu tôi thấy hơi lạc quan. Tức là hiện nay, NLTT đang cạnh tranh được với năng lượng truyền thống, mà tôi thì chưa tin lắm.
Nhưng nếu có những chính sách tốt cho công nghệ thì chắc chắn câu chuyện ấy sẽ giống như công nghệ với đảm bảo sức khỏe con người, người ta sẽ tìm ra nhiều loại thuốc chữa được nhiều loại bệnh mà trước đây chúng ta không chữa được.Tôi rất tin vào câu chuyện ấy. Vì các nước Châu Âu, họ đã đi theo con đường ấy, và thực tế họ đã thắng lợi ở rất nhiều nước.
PV: Xin cảm ơn ông!