Mùa bão khác thường ở Đại Tây Dương

ThienNhien.Net  – Không ít chuyên gia gắn kết biến đổi khí hậu với nguy cơ mạnh lên của các cơn bão trong tương lai.

Trong lúc siêu bão Irma hoành hành vùng Caribbean và đe dọa đổ bộ vào Mỹ, Đại Tây Dương chứng kiến thêm 2 cơn bão mạnh lên vào cuối ngày 6-9 (giờ địa phương).

Bão nối tiếp nhau

Trung tâm bão quốc gia Mỹ (NHC) cho biết bão Jose đã đạt sức gió gần 130 km/giờ khi cách nhóm đảo Lesser Antilles khoảng 1.673 km về phía Đông. Không có cảnh báo nào được đưa ra nhưng NHC khuyến cáo nhà chức trách quần đảo Leeward nên theo dõi chặt hướng đi của Jose. Trang Accuweather dự báo bão Jose sẽ tiếp tục mạnh lên khi di chuyển về hướng Tây trong tuần này.

Trong khi đó, bão Katia hình thành ở phần Tây Nam của vịnh Mexico và hiện có sức gió lên đến 120 km/giờ. Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng quốc gia Mexico, bão sẽ đổ bộ vào bang Veracruz cuối ngày 8 hoặc sáng 9-9 (giờ địa phương), có thể gây mưa to.

Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto cho biết đã bắt đầu xem xét các biện pháp ứng phó bão. May cho nước Mỹ là Katia được dự báo không di chuyển đến những khu vực vừa bị siêu bão cấp 4 Harvey tàn phá khi đổ bộ vào bang Texas cuối tháng rồi, theo trang Accuweather.


Người dân tại bang Florida đi sơ tán tránh bão Irma hôm 6-9. Ảnh: AP

Dù vậy, những gì xảy ra ở trên báo hiệu một mùa bão khác thường ở Đại Tây Dương – thường kéo dài từ ngày 1-6 đến ngày 30-11, trong đó cao điểm là từ giữa tháng 8 đến từ giữa tháng 10. Vào tháng rồi, Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo mùa bão năm nay có từ 14-19 cơn bão được đặt tên (có sức gió lên đến 62 km/giờ) và 5-9 cơn bão mạnh (có sức gió ít nhất 119 km/giờ).

Nếu dự báo này chính xác, đây sẽ là mùa bão mật độ dày nhất ở Đại Tây Dương kể từ năm 2010. Để so sánh, một mùa bão trong giai đoạn 1981-2010 chỉ có bình quân 12 cơn bão được đặt tên và 6 cơn bão mạnh.

Do biến đổi khí hậu?

Xem ra NOAA không quá lo xa bởi với Katia và Jose, mùa bão năm nay ở Đại Tây Dương có 11 cơn bão cho đến giờ, trong đó có 6 bão mạnh (Harvey, Irma, Katia, Jose, Franklin và Gert).

Nếu siêu bão Irma đổ bộ vào bang Florida như một cơn bão cấp 4 hoặc 5 (hai cấp mạnh nhất theo thang bão Saffir-Simpson với sức gió lần lượt từ 209 km/giờ và 252 km/giờ), đây sẽ là lần đầu tiên nước Mỹ hứng chịu 2 cơn bão mạnh từ cấp 4 trở lên trong cùng một năm kể từ khi dữ liệu này được ghi nhận – theo chuyên gia khí tượng Phil Klotzbach của Trường ĐH bang Colorado (Mỹ).

Ngoài ra, Irma còn đi vào sử sách khi là cơn bão thứ 2 duy trì sức gió trên 300 km/giờ trong hơn 24 giờ kể từ khi hoạt động giám sát bão qua vệ tinh bắt đầu 40 năm trước. Haiyan là siêu bão đầu tiên làm được điều này khi nó khiến hơn 6.000 người thiệt mạng ở Philippines năm 2013.

Câu hỏi được quan tâm nhiều lúc này là tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra có vai trò gì trong diễn biến khác thường nói trên. Đây là vấn đề phức tạp nhưng có lý do cho rằng hiện tượng này sẽ tác động ít nhiều đến hoạt động của mùa bão.

Theo AP, giới khoa học hiện còn tranh luận về việc có phải sự ấm dần lên của toàn cầu khiến bão xuất hiện nhiều hơn hay không. Thách thức ở đây là vẫn chưa có nhiều dữ liệu để các nhà khoa học có thể nghiên cứu và đưa ra kết luận về một xu hướng nào đó. Dù vậy, không ít chuyên gia gần đây gắn kết biến đổi khí hậu với nguy cơ mạnh lên và kèm theo đó là tác động ngày càng lớn của các cơn bão trong tương lai.

Tạp chí National Geographic (Mỹ) cũng chỉ ra rằng Đại Tây Dương năm nay nhiều bão hơn vì những điều kiện khí quyển “thân thiện” với bão và nhiệt độ bề mặt nước biển cao hơn bình thường. Chưa hết, những nhà khoa học được tạp chí này tiếp xúc cũng nhất trí rằng sự mạnh lên nhanh chóng của siêu bão Harvey và lượng mưa kỷ lục nó gây ra chắc chắn liên quan đến sự gia tăng nhiệt độ từ hoạt động của con người.

Irma – “cơn bão hạt nhân”

Ít nhất 13 người thiệt mạng ở vùng Caribbean sau khi siêu bão Irma với sức gió lên đến 290 km/giờ quét qua nhiều hòn đảo ở khu vực này hôm 6-9.

Là một trong những cơn bão mạnh nhất Đại Tây Dương trong vòng 100 năm qua, Irma đã tàn phá nặng nề đảo Barbuda, một trong 2 đảo chính của quốc đảo Antigua và Barbuda.

Thủ tướng Gaston Browne của đảo quốc này cho biết 95% tòa nhà ở Barbuda đã bị hư hại và họ đang tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Theo ông Browne, 50% dân số của hòn đảo 1.600 dân này hiện trở thành vô gia cư và chi phí tái thiết có thể lên đến 100 triệu USD. Hiện mới có 1 trường hợp tử vong vì bão được ghi nhận ở Barbuda.

Khung cảnh tan hoang tại Sint Maarten sau khi bị bão Irma tàn phá hôm 6-9 Ảnh: Reuters

Chịu thương vong nghiêm trọng hơn là đảo Saint Martin – gồm vùng Saint-Martin (lãnh thổ thuộc Pháp) và Sint Maarten (lãnh thổ thuộc Hà Lan). Giới chức Pháp cho biết ít nhất 8 người thiệt mạng và 23 người bị thương tại Saint-Martin và đảo St. Barts (lãnh thổ thuộc Pháp) nhưng cảnh báo con số này có thể tăng. Vùng Sint Maarten cũng bị tàn phá nặng nề với nhiều cây cối ngã đổ, nhà cửa tốc mái, đường sá chìm trong nước lũ. Bão còn khiến 1 người thiệt mạng tại Anguilla, lãnh thổ hải ngoại của Anh ở vùng Caribbean.

Sau khi đổ bộ vào Puerto Rico, lãnh thổ thuộc Mỹ, vào rạng sáng 7-9, siêu bão Irma khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, hơn 1,5 triệu dân, sống trong cảnh không có điện và hàng chục ngàn người dân không có nước sử dụng. Cảnh báo bão đã được ban bố tại các vùng ở miền Trung và Đông Cuba.

Theo Reuters, siêu bão Irma được dự báo đến bang Florida, Mỹ trong ngày 9 hoặc 10-9 (giờ địa phương). Khi đó, nó sẽ là cơn bão mạnh thứ hai đổ bộ vào Mỹ trong vòng vài tuần, sau siêu bão Harvey. Thống đốc Florida, ông Rick Scott, đã ra lệnh sơ tán người dân tại các vùng ven biển của bang. Trong khi đó, ông Philip Levine, thị trưởng TP Miami Beach, hôm 6-9 thúc giục du khách và người dân rời đi để tránh sự tàn phá có thể có từ “cơn bão hạt nhân” Irma.

Xuân Mai