ThienNhien.Net – Bắt đầu từ năm 1976, khi đất nước thống nhất, đến nay đã 41 năm, nhưng câu chuyện về di dân tự do từ các tỉnh phía Bắc vào khu vực Tây Nguyên đến hiện giờ vẫn chưa một ngày nguôi nóng. Và bây giờ thì còn có cả những “cuộc chiến” hằng ngày giữa lực lượng bảo vệ rừng và người dân, kéo theo là những hệ lụy buồn đau…
Kỳ 1: Những ngôi làng lầm lũi giữa rừng sâu
Để có đất sản xuất kiếm cơm qua ngày, hàng ngàn hộ dân thuộc diện di dân tự do ở các tỉnh Tây Nguyên đã phải chấp nhận lập làng giữa rừng sâu, gần như biệt tích với thế giới bên ngoài. Với họ, khái niệm về điện, đường, trường, trạm, hay con cái học hành, vui chơi là thứ gì đó xa xỉ khi nỗi ám ảnh hằng ngày là làm sao đủ cái ăn cho ngày ba bữa.
Đếm mãi mới ra 27 tuổi
Xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) một chiều giữa mùa mưa tầm tã. Sau một hồi đặt vấn đề rất quyết tâm, cuối cùng thì những cán bộ của một trạm bảo vệ rừng thuộc Hợp tác xã (HTX) Hợp Tiến cũng đồng ý dẫn chúng tôi vào mục sở thị cuộc sống của những di dân tự do “không biết từ đâu tới” đã và đang phá rừng, chiếm đất ngay trên lâm phần mà họ đang được Nhà nước giao quản lý.
“Trời mưa, đường lầy nên sẽ vất vả lắm đấy”, một cán bộ vừa nói vừa dắt ra sân hai xe máy lốp được quấn xích. Sau gần 1 giờ đồng hồ ngoằn ngoèo trái phải trên những cung đường lầy và trơn như thể mỡ thay cho đất cùng mấy cú “vồ ếch”, chúng tôi cũng đến được tiểu khu 1644 – một trong những khu vực rừng bị người dân phá và lấn chiếm nhiều nhất trong thời gian qua.
“Chỗ này trước đây là rừng nguyên sinh, sau đó bị người dân ở đâu đến dựng nhà, chặt phá rừng, chiếm đất để canh tác nên mọi thứ mới tan hoang như thế này” – người dẫn đường tên Nam chỉ vào những ngọn đồi trọc còn sót lại những thân cây bị cưa chặt ngã đổ, bên cạnh là những ruộng khoai, ruộng bắp, vườn chanh… xen kẽ là những trụ tiêu. Xa xa là những nóc nhà, chính xác hơn là những căn chòi nằm rải rác, cô quạnh dưới làn mưa rừng.
Vừa thấy bóng chúng tôi, những người dân đang đội mưa làm gì đó bên những trụ tiêu của mình bỗng ý ới gọi nhau rồi vội vã rút vào những căn chòi. Tưởng họ sống lâu trong rừng nên thấy người lạ thì sợ, nhưng không phải. “Lại trồng tiêu nữa rồi” – người dẫn đường cáu gắt.
Thì ra ở đây cán bộ bảo vệ rừng và người dân có một luật ngầm trong khi chờ phân giải việc phá rừng chiếm đất, rằng người dân tạm thời chỉ được phép canh tác cây ngắn ngày, còn những giống cây dài ngày như tiêu, cà phê thì không.
“Là nói thế, nhưng người dân toàn vi phạm để trồng tiêu. Vừa rồi mấy người đó đang chăm sóc tiêu, nên thấy mình thì họ bỏ chạy vào lán để tránh bị bắt quả tang chứ chả sợ gì mình đâu” – Nam nói.
Chúng tôi bảo Nam và một người dẫn đường khác tạm lánh đi rồi băng đồi tìm đến cái lán gần nhất. Đứng chặn ngay thềm cửa là một người đàn ông tầm 30 tuổi, mặt lạnh, mắt lấm lét dò hỏi kiểu vừa hăm dọa vừa đề phòng. Phải chìa các loại giấy tờ, bảo là nhà báo đi tìm hiểu đời sống của những người di dân tự do chứ không phải cán bộ bảo vệ rừng thì mặt người đối diện mới giãn ra, tươi cười nói “thế thì mời cán bộ vô đây uống nước”.
Bên trong căn chòi ván là một không gian tối lờ mờ do không có điện, lại trống huơ hoác và gần như không có gì để có thể gọi là tài sản ngoài gần chục mạng người của 3 gia đình ở chung đụng cùng nhau đang nằm ngủ vạ vật.
Người đàn ông đón chúng tôi vào nhà tên San, nhớ mang máng là mình năm nay 27 tuổi. Vợ San – chị Lý Thì Đào – đang nhặt đỗ trước cửa, xòe tay đếm mãi cuối cùng cũng tính ra mình thua chồng một tuổi.
Vợ chồng San – Đào là người Dao ở tận ngoài Cao Bằng. Cả hai cùng theo bố mẹ di dân tự do vào đây từ nhỏ và đã sống lang bạt qua nhiều vùng đất khác nhau ở khắp các tỉnh Tây Nguyên, nhiều đến mức họ không nhớ hết. Và bây giờ họ tạm định cư tại đây từ cuối năm 2013: Thôn Boontin thuộc xã Quảng Sơn, huyện huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
“Con không nhớ tuổi và chưa hề đi học”
Hôm chúng tôi đến thì hai con nhỏ của vợ chồng San – Đào, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi đang ốm dặt dẹo, mới chiều mà sốt cao nằm mê man như đêm tối. Vợ chồng thay nhau lau khăn nước, đắp lá rừng hạ sốt. Hỏi chúng nó bệnh gì, sao không đưa đi bệnh viện?
Đào bảo đại ý viêm họng thôi, không cần bệnh viện vì đường quá xa, không có tiền và ở đây đã có thuốc chữa bệnh từ lá rừng. “Chữa bệnh chỉ cần dùng lá rừng” – Đào nói dở với khách bằng tiếng Kinh khó nhọc rồi quay sang nói gì đó với chồng tiếp theo một tràng rất dài bằng tiếng Dao, để mặc chúng tôi ngơ ngác.
Chờ một lúc, chúng tôi gợi họ quay lại bằng tiếng Kinh với chủ đề thực phẩm và chợ búa. Đào trả lời đại ý đường quá xa, đường mòn, lại luôn trong tình trạng lầy lội về mùa mưa nên thường mỗi tháng cắt rừng về thị xã Gia Nghĩa (thủ phủ tỉnh Đắk Nông) một lần để mua sắm các vật dụng thiết yếu. Còn lại nước uống thì có sẵn ngoài suối, thức ăn hằng ngày thì rau cỏ đầy ngoài rẫy, lâu lâu thì làm bữa rượu cải thiện bằng con gà thả nuôi.
Đang chuyện thì có thằng nhóc từ hàng xóm thấy người lạ nên lân la qua xem. Hỏi con tên gì? Nó cười gãi đầu ra điều không nhớ. Hỏi nữa thì nó bẽn lẽn bảo “con tên giống chú San”. Hỏi bao nhiêu tuổi, học lớp mấy, nó bỗng dưng nhanh nhảu: “Con không nhớ tuổi và chưa hề đi học”.
Quay vào trong chòi hỏi một vòng “nhà mình có ai từng đi học chưa, có biết đọc và viết bằng tiếng Kinh không?” thì đáp lại là một sự im lặng đến mức buồn thảm.
“Thế vợ chồng em cũng như mọi người à?” – chúng tôi quay sang vợ chồng San – Đào. Cô vợ cười hồn nhiên, bảo “Chồng em hay nói thật. Còn em, ai hỏi thì em nói mình đã từng học lớp một”. Chúng tôi tới gần hai đứa nhỏ nãy giờ hình như vẫn chưa hạ được sốt, bảo “Thế có dự tính gì cho hai đứa con không?”. Đào, vẫn nụ cười hồn nhiên, trả lời “Cũng không biết tính kiểu gì”.
Ở hai tiểu khu 1644, 1645 thuộc địa phận thôn Boontin hiện có hàng trăm hộ dân – hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào sống trong tình cảnh không điện, đường, trường, trạm cùng những con số không ám ảnh khác như gia đình anh San – chị Đào.
Không chỉ sống lay lắt, tạm bợ, họ còn luôn trong cảnh bất an khi chịu sự “giám sát đặc biệt” thường xuyên của những người bảo vệ rừng cùng một tương lai bất định, rằng không biết chính quyền sở tại sẽ cưỡng chế mình ra khỏi khu vực này lúc nào.
Những tưởng chấp nhận một cuộc sống khốn khổ như vậy thì đổi lại, người dân phải đạt được điều gì đó lớn lao về trị giá – những con số về thu nhập hằng tháng. Nhưng chúng tôi không tin được vào tai mình khi Đào bảo rằng “không chỉ nhà em mà hầu hết mọi người, có cái ăn no ngày ba bữa đã là may mắn lắm, lấy đâu ra tiền mà để dành cho tương lai…”.
Hỏi bây giờ tụi em mong muốn điều gì nhất? Không cần suy nghĩ, San trả lời “mong nhất là những cán bộ bảo vệ rừng của HTX Hợp Tiến và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho dân tụi em làm ăn yên ổn”.
Những người dẫn đường hối thúc chúng tôi rời rừng già Boontin bởi trời đã nhá nhem tối và mưa rừng thì mỗi lúc một nặng hạt. Ám ảnh nhất là cái níu tay kéo chúng tôi ra một góc xa của San cùng ánh mắt nài nỉ: “Các anh cố gắng viết điều gì đấy có lợi cho dân chúng em…”. Một lúc sau trên đỉnh đồi ngó xuống, sau màn mưa, không hiểu sao San không vào nhà mà cứ đội mưa thơ thẩn tới lui trước con đường mòn bắt qua cái lán của mình.
Trên toàn vùng Tây Nguyên, con số di dân tự do mới nhất từ Ban Chỉ đạo Tây Nguyên công bố là 189.846 hộ, 937.564 khẩu. Hầu hết đều sống tạm bợ, không có gì với tương lai mịt mù kiểu như người dân thôn Boontin. Hoặc khá hơn, thì đó cũng là những cộng đồng được điểm danh kiểu “làng siêu nghèo”, “làng siêu đẻ”… cùng hàng ngàn, hàng ngàn những phận người, chuyện đời trớ trêu bởi nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản nhất vẫn là do không nghề nghiệp, thiếu tư liệu sản xuất. Facebook vẫn “nhấp nháy” trong rừng già BoontinChuyện vui nhất trong rừng già Boontin, có lẽ là ở đó vẫn có sóng điện thoại. Và người dân, trừ người già và trẻ con, dù phải chạy ăn từng bữa và tương lai bất định, nhưng hầu như ai cũng cầm trên tay một cái điện thoại thông minh để lướt mạng, chơi Facebook. Có cô bé còn mạnh dạn hỏi xem nick Facebook của chúng tôi là gì để “lát nữa cháu kết bạn với chú”. |
(còn nữa)