ThienNhien.Net – Hiện nay, cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi, phân bố tại 45 trong số 63 tỉnh, thành phố, chứa khoảng 13,5 tỷ m3 nước. Số lượng hồ này hầu hết được xây dựng từ những năm 70 đến 80 của thế kỷ trước, nay xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không xử lý kịp thời sẽ là hiểm họa đối với người dân vùng hạ du. Tuy nhiên, để làm được việc này đang là thách thức lớn đối với ngân sách nhà nước.
Bài 1 : “Bom nước” vùng nông thôn
Do được xây dựng từ lâu, trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, trình độ kỹ thuật thấp, nhu cầu dùng nước chưa cao, nguồn vốn đầu tư eo hẹp, năng lực khảo sát thiết kế thi công, quản lý còn hạn chế, cho nên các hạng mục của hàng trăm hồ chứa thủy lợi chưa đồng bộ, chất lượng thấp. Nhiều hồ chứa trở thành quả “bom nước” lơ lửng trên đầu các khu dân cư.
Hồ treo, đất khát
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hiện cả nước có 702 hồ chứa lớn (dung tích lớn hơn ba triệu m3 hoặc chiều cao đập lớn hơn 15m). Theo đó có 70 đập thấm nhẹ, 23 đập thấm nặng, 61 đập mái bị biến dạng nhẹ, 21 đập mức nặng. Đáng chú ý một số đập có biểu hiện mất an toàn như: Hồ Khe Chinh, Rong Đen, Tặng An (Yên Bái), Khe Chão (Bắc Giang), Đồi Tương, Ba Khe, Khe Sân (Nghệ An), Thanh Niên (Quảng Trị), Cây Khế, Đập Làng (Quảng Ngãi), Kim Sơn, Giao Hội, Hội Khánh, Hố Trạnh, Thạch Bàn (Bình Định), Tân Rai, Đạ Tẻ, Đạ Tô Tôn (Lâm Đồng).
Có 280 trong số 702 đập xây dựng sau năm 2000 hoặc được sửa chữa nâng cấp theo Quy chuẩn 04-05:2012/BNNPTNT. Các đập này cơ bản được xây dựng đồng bộ, bảo đảm khả năng xả lũ, an toàn công trình. Hiện còn 422 trong số 702 đập xây dựng từ trước những năm 2000, được tính toán thiết kế theo tiêu chuẩn cũ TCVN 5060-90, chưa được kiểm tra, đánh giá khả năng chống lũ cần phải nâng cấp theo Quy chuẩn 04-05:2012/BNNPTNT.
Trong khi các hồ chứa lớn cơ bản bảo đảm an toàn thì 5.946 hồ chứa nhỏ (chiếm 89,4% số lượng hồ cả nước) lại có nguy cơ mất an toàn cao. Có 507 đập bị thấm, trong đó 450 đập thấm nhẹ, 57 đập thấm nặng, 443 đập mái biến dạng mức độ nhẹ, 170 đập mức nặng. 697 tràn, thân bị hư hỏng, xói lở, trong đó 467 tràn hư hỏng mức độ nhẹ, 230 tràn mức độ nặng. Hư hỏng thân cống lấy nước có 756, trong đó 546 cống hỏng nhẹ, 210 cống hỏng mức độ nặng. Trong các hư hỏng trên, cần lưu ý thấm do thân cống bị hư hỏng, mục gãy tại các vị trí khớp nối gây thấm, xói ngầm thân đập phần tiếp giáp với cống làm sụt, trượt đập là tác nhân có nguy cơ gây vỡ đập cao.
Tại nhiều địa phương, hồ có nhưng không bảo đảm công năng tưới tiêu. Hồ thì “treo”, trong khi đất lại khát. Đưa chúng tôi đi khảo sát hồ Núi Miếu được xây dựng từ năm 1983 ở xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ (Bình Định), Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Lợi Lương Văn Biếc cho biết: Hiện hồ bị thấm qua nền, mái đập xói lở, tạo hàm ếch, mất an toàn. Tuy nhiên, nhiều năm qua không có kinh phí để sửa chữa. Mùa mưa bão năm nay, UBND xã chỉ đạo HTX nông nghiệp Mỹ Lợi trích kinh phí khoảng 18 đến 20 triệu đồng mua tre cây, bó độn, gia cố bảo vệ mái đập vùng thượng lưu. Nhìn cả một hồ nước mênh mông áp vào bức đập mỏng manh, được gia cố bởi hàng cọc tre mỏng, chúng tôi thấy lo lắng. Một hồ chứa với lưu vực rộng 4 km2, dung tích thiết kế 650 nghìn m3, phục vụ nước tưới cho năm thôn mà gần như không có kinh phí tu sửa định kỳ.
Hồ Hóc Khế tại xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) được xây dựng từ năm 1987, nhưng chỉ sử dụng được vài năm, sau đó hư hỏng nặng phần cống, nước thấm qua thân đập… nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, hồ bị bỏ hoang từ đó đến nay, không có đơn vị nào đứng ra quản lý. Dẫn chúng tôi đi bộ trên đáy hồ phơi sương nắng cả chục năm nay để xem ống cống đã rò rỉ nặng, đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn đập Quảng Ngãi cho biết: Nếu hồ tích nước sẽ rất dễ vỡ cho nên các cơ quan chức năng đành để hoang. Sắp tới, sau khi có nguồn vốn từ dự án Sửa chữa và nâng cấp an toàn đập (Drasip/WB8), năm 2018 tỉnh sẽ bố trí kinh phí khoảng 15 tỷ đồng sửa chữa, làm mới hồ, nhằm phục vụ tưới, tiêu cho 40 ha đất canh tác hai vụ. Đồng chí Nguyễn Thị Dương Lộc, Chủ tịch UBND xã Tịnh Bình cho hay: Nếu hồ có nước sẽ tạo điều kiện để xã cải tạo hàng chục héc-ta hiện chỉ trồng lúa một vụ hoặc để hoang.
Nơm nớp sống dưới chân hồ
Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, hiện cả nước có 1.150 trong số 6.648 hồ chứa hư hỏng, cần sửa chữa trong giai đoạn 2016 – 2022. Trong đó, những hồ chứa lớn chỉ có 39 hồ được phép vận hành nhưng phải hạ mực nước xuống dưới mức thiết kế. Chỉ có 1.198 hồ chứa nhỏ bảo đảm an toàn vận hành bình thường, 1.070 hồ vận hành bình thường, 1.127 hồ được phép vận hành với điều kiện mực nước ở dưới mức thiết kế, 23 hồ không được phép vận hành và 2.528 hồ chưa đủ điều kiện để đánh giá. Chính vì số lượng lớn các hồ chứa nhỏ hư hỏng nghiêm trọng, mất an toàn cao gây tâm lý lo lắng cho người dân sống ở vùng hạ du, khi những túi “bom nước” khổng lồ luôn lơ lửng trên đầu.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Công ty TNHH Một thành viên khai thác Công trình thủy lợi Thái Nguyên Nguyễn Hồng Thái cho biết: Qua kiểm tra trước mùa mưa bão, đập chính hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm nhỏ ở vai bờ tả phía hạ lưu, từ cao trình 45 đến 46 m. Tại cao trình 44 m hạ lưu bờ tả có hiện tượng thấm nhiều và lan rộng. Rãnh thoát nước hạ lưu đập tại cao trình 32 m và 42 m bị đổ gãy chiều dài 200 m làm tụt các tấm lát mái. Chính vì vậy, ngày 14-6, UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc; tổ chức trực 24/24 giờ tại hiện trường để theo dõi diễn biến sự cố.
Tỉnh cũng lập phương án xử lý khẩn cấp và chuẩn bị điều kiện cần thiết để thi công khắc phục sự cố, bảo đảm hoàn thành trước ngày 20-8. Những ngày đầu xảy ra sự cố, các chuyên gia đầu ngành thủy lợi đã góp ý việc khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập phải đề cập rõ hình thức, vị trí. Trường hợp cần thiết, cần đưa ra phương án phá một trong bảy đập phụ để giữ đập chính; có phương án phòng, chống lũ lụt, di dân, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Điều đáng nói là, mặc dù tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp, cũng như mức độ nguy hiểm của đập hồ Núi Cốc nếu xảy ra sự cố vỡ đập chính, sẽ gây ngập vùng hạ du gồm TP Thái Nguyên, TP Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình và một phần tỉnh Bắc Giang, tuy nhiên đến nay mọi việc mới chỉ dừng lại ở lên kế hoạch và dự toán sửa chữa.
Tương tự như hồ Núi Cốc, hồ Núi Một, thị xã An Nhơn (Bình Định) cũng rất cần kinh phí để nâng cấp, sửa chữa. Được xây dựng từ năm 1978, đến nay hồ xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người dân dưới vùng hạ du. Lo lắng chỉ cho chúng tôi xem phần cống bê-tông rã ra từng mảng lộ khung sắt gỉ sét, Tổ trưởng Tổ quản lý đầu mối hồ Núi Một Trần Văn Cẩn nói: Mặc dù vào các năm 1985, 1999 hồ đã được tu bổ nhưng do không đồng bộ, cho nên đến nay vẫn xuống cấp nghiêm trọng, nhất là phần cống.
Hệ thống cống gần như mục nát, nếu điều tiết nước qua cống, chắc chắn sẽ vỡ. Cứ mỗi khi trời mưa, anh em tôi lại không dám ngủ, đêm hôm phải thay phiên nhau ra canh chừng mái đập. Còn Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bình Định Nguyễn Văn Phú cho chúng tôi biết thêm: Ngay từ đầu năm, hồ được xả nước qua tràn để sẵn sàng sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ động thái nào cho thấy sẽ sửa. Ông Phú lo lắng: “Nếu không khẩn trương gia cố trước ngày 30-8 thì sẽ có thể nguy cơ vỡ hồ gây họa cho hàng chục nghìn người dân dưới vùng hạ du”.
Khi biết chúng tôi mới làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ (Bình Định) Lương Văn Biếc – đơn vị trực tiếp quản lý hồ Núi Miếu hỏi:
– Các anh có nghe thấy nói bao giờ có kinh phí để sửa chữa hồ Núi Miếu chưa?
– Nghe đâu là phải đến năm 2019 mới có.
– Thôi đành lại phải chờ vậy.
Câu nói “Đành lại phải chờ vậy” cũng chính là day dứt của những người quản lý hồ đang xuống cấp nguy hiểm, day dứt của người dân vùng hạ du. Bao giờ những chiếc hồ trong xanh trở về đúng nghĩa là cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất, cắt lũ trong mùa mưa, bão, bảo đảm an toàn vùng hạ du, không còn là những quả “bom nước” lơ lửng trên đầu người dân?
(Còn nữa)