ThienNhien.Net – Sự phát triển của Vùng Viễn Đông không chỉ đem lại động lực cho kinh tế Nga, mà còn đem lại cơ hội cho các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2017 đã chính thức khai mạc vào sáng nay (6/9) và kéo dài đến hết ngày mai (7/9), tại Vladivostok – Vùng Viễn Đông của Liên Bang Nga. Diễn đàn được tổ chức hàng năm với mục đích thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác phát triển vùng Viễn Đông và năm nay là lần thứ 3.
Theo Ban Tổ chức, tham gia Diễn đàn kinh tế Phương Đông năm nay có hơn 5.000 người, tăng gần gấp 1,5 lần so với số lượng của năm ngoái với đại diện cho 60 nước trên thế giới. Điều này chứng tỏ công tác quảng bá, giới thiệu về diễn đàn, cũng như chính sách thu hút đầu tư của chính phủ Nga vào vùng Viễn Đông đã rộng khắp hơn và thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp trên thế giới. Trong đó có nhiều tầng lớp, từ thanh niên, sinh viên, các nhà hoạt động, nghiên cứu, đến giới doanh nghiệp, đầu tư…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng, Đặc phái viên toàn quyền của Tổng thống Nga tại vùng Viễn Đông – Yuri Trutnhev đã đưa ra bằng chứng về kết quả bước đầu tại vùng Viễn Đông.
“Diễn đàn không chỉ đánh giá riêng về nước Nga, những ý kiến sẽ đánh giá của 837 nhà đầu tư, những người đã hoạt động tại Vladivostok bằng chính lao động, vốn đầu tư và sự sáng tạo của mình. Biện pháp cần đưa ra để mỗi dự án đầu tư vào Vladivostok đều sẽ thành công. Đến hôm nay, đã có 51 xí nghiệp mới đang hoạt động tại Vladivostok và đến cuối năm nay con số này sẽ là 86”, ông Yuri Trutnhev khẳng định.
Cũng theo ngài Yuri Trutnhev, để phát triển vùng đất này, cần tiếp tục có các biện pháp, giảm thuế, phí điện năng, đẩy nhanh các thủ tục hành chính. Cần phải làm như vậy để mọi người có cuộc sống tốt ở nơi này. Các dự án đầu tư mới cần phải đảm bảo trường học, nhà trẻ và các tổ hợp thể thao.
Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Diễn đàn kinh tế Phương Đông năm nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã có bài phát biểu. Lời phát biểu này là sự trọng thị của phía chủ nhà dành cho Việt Nam cũng như đánh giá cao nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào vùng đất này của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Bình nêu rõ, Viễn Đông là vùng đất với tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản vô cùng phong phú. Những chính sách mới của Chính phủ Nga nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực cũng các chính sách ưu đãi đặc thù khác nhằm phát triển hệ thống đặc khu kinh tế và khu cảng biển tự do.
Thời gian qua, từ khởi điểm tại Vladivostok, cảng biển khác trong khu vực được kỳ vọng hỗ trợ tích cực, giúp Viễn Đông phát huy tiềm năng, trở thành khu kinh tế mới, điểm đến thu hút đầu tư và gắn kết chặt chẽ giữa Nga với các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự phát triển không chỉ đem lại động lực cho kinh tế Nga, mà còn đem lại cơ hội cho các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Trao đổi thương mại song phương (giữa Việt Nam và Liên Bang Nga) năm 2016, đạt 2,7 tỷ USD tăng 25%. Riêng khu vực Viễn Đông, thương mại hai chiều tăng trên 50%. Và tiềm năng phát triển rất lớn khi hàng hóa hai bên có cơ cấu bổ sung cho nhau, là yếu tố thuận lợi để phát triển hơn nữa quan hệ thương mại song phương.
“Việt Nam là nước đầu tiên và Liên minh kinh tế Á-Âu ký hiệp định thương mại tự do và có hiệu lực từ tháng 10 năm 2016. Chúng ta có cơ sở kỳ vọng quan hệ kinh tế-thương mại sẽ tăng mạnh mẽ, sớm đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ Nga mở rộng quan hệ với cộng đồng kinh tế ASEAN”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nêu rõ.
Tiếp sau lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa TP Hải phòng và vùng Primore vào chiều qua, sáng nay Tập đoàn TH True Milk cũng đã ký kết dự án đầu tư chăn nuôi bò và sản xuất sữa tại vùng này.
Ông Ngô Thanh Hoàn, Tổng giám đốc công ty TH Russ-Primore cho biết, công ty quyết định đầu tư vào chăn nuôi và sản xuất sữa tại khu vực này vì vùng này có rất nhiều tiềm năng: Đất đai rộng lớn, chính quyền có nhiều ưu đãi.
“Vùng Viễn Đông có quan hệ chặt chẽ thương mại hai chiều giữa Liên bang Nga và Việt Nam. Giai đoạn đầu, hai bên sẽ đầu tư vào 3 tổ hợp trang trại bò sữa và một nhà máy chế biến sữa, trong khoảng 3-5 năm. Năm 2019, dự án sẽ có những lít sữa đầu tiên, có khả năng xuất khẩu ra các nước xung quanh”, ông Hoàn cho biết.
Dự án của TH Russ-Primore có quy mô đầu tư 270 triệu USD, bao gồm xây dựng 3 cụm trang trại bò sữa và một nhà máy sữa với tổng đàn 15.000 con, trên diện tích 30.000 ha và sẽ tạo ra khoảng 500 việc làm.
Dự kiến, năm nay riêng Vùng Primore sẽ ký bên lề Diễn đàn không ít hơn 40 thỏa thuận, chiếm phần lớn trong số đó là các dự án về hợp tác phát triển trong lĩnh vực du lịch, giao thông và logistic, nông nghiệp.
Đối với cả vùng Viễn Đông, số các dự án được ký kết và tổng vốn đầu tư sẽ còn lớn hơn nhiều, hiện chưa có số liệu cuối cùng. Diễn đàn sẽ tiếp tục vào ngày mai (7/9) với phiên họp toàn thể có bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Nga V.Putin