Dù vừa được đầu tư nhà máy xử lý nước thải nhưng tình trạng ô nhiễm xung quanh Khu Công nghiệp An Nghiệp ngày một nặng nề, đe dọa cuộc sống và sức khỏe của người dân.
“Cuối tháng 5 vừa qua, nhà máy xử lý nước thải của Khu Công nghiệp (KCN) An Nghiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) giai đoạn 2 được khánh thành đưa vào hoạt động, nâng công suất xử lý từ 4.000 m3 lên 10.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, sau vài tháng hoạt động, tình trạng ô nhiễm môi trường các tuyến kênh quanh KCN này chẳng những không được khắc phục mà ngày càng trầm trọng hơn, phạm vi ảnh hưởng cũng rộng lớn hơn”. Đó là phản ánh của người dân ấp Phước Hòa, xã Phú Tân, huyện Châu Thành với Báo Người Lao Động.
Không ngủ được vì mùi hôi
Cũng theo người dân địa phương, tuyến kênh thẻ 25 là nơi tiếp nhận nguồn nước thải ô nhiễm từ KCN An Nghiệp đổ vào kênh 30-4, sau đó đổ vào các tuyến kênh nội đồng như: kênh Xây Chô, kênh 20…
Theo 2 ông Liêu Phô và Lâm Hiệp lên xuồng máy đi từ đầu kênh Xây Chô băng qua kênh 30-4, chúng tôi đến đầu kênh thẻ 25. Mặt nước kênh ở đây đen ngòm, đặc quánh, nổi đầy bọt khí và bốc mùi kinh khủng. Càng đi vào sâu, màu nước đen và mùi hôi thối càng lúc càng nặng khiến chúng tôi khó thở và buồn nôn. “Quá bức xúc, tôi mới chở nhà báo vô đây chứ có mướn bao nhiêu, tôi cũng không vô, hôi cỡ này chịu sao nổi” – ông Lâm Hiệp nói.
Chúng tôi quan sát thấy có tổng cộng 4 cống lớn từ KCN An Nghiệp đang xả nước đen ngòm ra kênh thẻ 25, từ đó tỏa đi các kênh khác. Những con kênh ô nhiễm này chảy qua nhiều ấp của xã Phú Tân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân. “Hôm rồi, tôi lội xuống kênh Xây Chô đẩy xuồng ra, tới khi lên bờ, tắm cỡ nào cũng ngứa, nổi đỏ khắp người. Lúc trước, khi con nước ròng, bên KCN An Nghiệp mới xả nước thải ra nhưng gần đây, họ xả nhiều hơn, nhất là lúc có mưa lớn, họ càng xả dữ dội” – ông Lý Sil, ngụ ấp Phước Thuận, cho biết.
Còn theo ông Ngô Sóc Kha, mấy năm trước, tình trạng này từng xảy ra, người dân được mời lên đối thoại với lãnh đạo KCN nhưng tình hình chẳng những không khá hơn mà càng về sau, nước càng đen và bốc mùi nồng nặc. “Ban đêm rất khó ngủ, vô mùng rồi nhưng mùi hôi quá, thở không được. Dân ở đây chịu đựng lâu rồi, có điều cứ tiếp tục hôi thối kiểu này làm sao mà sống nổi” – ông Kha ngao ngán.
Ảnh hưởng đến sản xuất
Con kênh Xây Chô, kênh 20… không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong khu vực mà còn là nguồn sống của một số hộ không đất sản xuất. “Con kênh Xây Chô hồi trước cá, tép nhiều lắm, siêng một chút là đủ ăn, thậm chí còn có dư để bán nữa. Mấy năm nay, người ở trên bờ còn chịu không nổi thì làm sao cá, tép ở dưới sống được” – ông Lý Sil bức xúc.
Theo nhiều người dân địa phương, từ lúc các dòng kênh bị ô nhiễm, người dân không còn làm được lúa vụ 3, cũng không trồng được cây trái, hoa màu vì không có nước tưới. “Khoảng 15 ngày tới là tiếp tục xuống giống vụ đông xuân sớm nhưng nước dưới kênh cứ đen và hôi thối kiểu này làm sao bơm lên để làm đất” – ông Sóc Kha lo lắng.
Ông Lâm Huỳnh Minh Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết sau khi phát hiện tình trạng ô nhiễm, lãnh đạo xã đã phản ánh với Ban Quản lý KCN An Nghiệp, đồng thời mời sang khảo sát, đánh giá nguyên nhân cũng như hướng khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể. “Ngay cả con kênh 20 trước giờ sạch nhất nhưng hiện cũng đen ngòm vì lượng nước xả ra từ KCN quá nhiều. Hiện nay, nguồn nước ô nhiễm lan ra đến tận đầu kênh chợ Phú Tân luôn rồi” – ông Thoại lo lắng.
Theo ước tính, 7 tuyến kênh trên địa bàn xã Phú Tân hiện có hơn 15 km đã bị ô nhiễm nặng, hơn 1.000 ha đất sản xuất và khoảng 250 hộ dân bị ảnh hưởng.