ThienNhien.Net – Ngày 4/9, các nước thành viên Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu về các tiêu chí xác định các chất gây rối loạn nội tiết trong lĩnh vực sản phẩm bảo vệ thực vật – một bước tiến quan trọng về chính sách nhằm bảo vệ công dân trước các chất độc hại.
Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Vytenis Andriukaitis tuyên bố cuộc bỏ phiếu hôm nay chứng minh sự quyết tâm của EU trong việc thiết lập một chính sách thực sự của khối trong lĩnh vực kiểm soát nguy cơ gây rối loạn nội tiết.
Đề xuất được thông qua không chỉ đơn thuần là vấn đề về kiểm soát rối loạn nội tiết mà còn là một thành công lớn, với sự ủng hộ của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu trong tiến trình ra quyết định, thông qua và đưa vào thực hiện có hiệu lực các tiêu chí quan trọng về bảo vệ sức khỏe công dân.
Những tiêu chí được thông qua lần này là bước tiến lớn tạo thuận lợi trong việc đưa ra những hành động tiếp theo trong công tác bảo vệ môi trường và cho phép Ủy ban châu Âu bắt đầu tiến trình làm việc về một chiến lược mới nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc của các công dân với các chất gây rối loạn nội tiết, thuốc trừ sâu hay thuốc diệt khuẩn.
Đối với các loại thuốc trừ sâu và chất diệt khuẩn, Ủy ban khẳng định sẽ không trì hoãn bất kỳ hành động nào và sẽ ngay lập tức cho áp dụng các biện pháp cần thiết trong trường hợp có các dữ liệu tin cậy khẳng định mối đe dọa về khả năng bị nhiễm chất gây ảnh hưởng nội tiết trên các chủ thể là đối tượng nghiên cứu.
Các tiêu chí được châu Âu thông qua ngày 4/9 đều đảm bảo tuân thủ các định nghĩa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO đã xác định các thành tố gây rối loạn nội tiết và các chất bị nghi ngờ gây ra hiện tượng trên.
Tổ chức này cũng chỉ rõ việc xác định các chất gây rối loạn phải được thực hiện trên cơ sở các chứng cứ khoa học liên quan đã được thừa nhận cả từ các nghiên cứu trên động vật, trong ống nghiệm và tuân thủ cách tiếp cận dựa trên các dữ liệu thống kê làm bằng chứng.
Ủy ban dự định sẽ áp dụng cùng một tiêu chí đối với các chất diệt khuẩn. EU cho rằng điều này là rất quan trọng vì có chứng cứ cho thấy các trường hợp bị phát hiện nhiễm thành tố phá vỡ nội tiết không phụ thuộc vào việc sử dụng một chất cụ thể nào.
Tiêu chí vừa được EU ban hành sẽ được áp dụng sau thời gian sáu tháng chuyển tiếp, trong thời hạn này Cơ quan hóa chất châu Âu (ECHA) và Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) có trách nhiệm hoàn thiện và đưa ra một tài liệu hướng dẫn cách thức áp dụng.