Tây Bắc có tổng diện tích 50.728 km2, chiếm 15% diện tích đất liền cả nước nhưng diện tích đất đang sử dụng vào sản xuất nông nghiệp không nhiều, chỉ vào khoảng 700 nghìn ha (chiếm khoảng 13% diện tích toàn vùng), diện tích đất bằng chưa sử dụng và đất rừng sản xuất khoảng 600 nghìn ha (chiếm 12% diện tích toàn vùng), do vậy tiềm năng mở rộng phát triển sản xuất nông nghiệp còn khá lớn. Tuy nhiên, do địa hình bị chia cắt mạnh nên đất sản xuất bị phân tán, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, hạn hán kéo dài, xói mòn gia tăng, tần suất xuất hiện sương muối thất thường, hệ thống thủy lợi được đầu tư nhưng chưa đảm bảo đủ lượng nước tưới. Đặc biệt, tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu, gây khó khăn trong việc tiếp cận các biện pháp, mô hình sản xuất tiên tiến; trình độ thâm canh chưa cao, sản xuất hàng hóa phát triển chậm, các sản phẩm nông lâm nghiệp còn đơn điệu, chủ yếu là nguyên liệu thô. Do đó, để góp phần phát triển nền nông nghiệp Tây Bắc theo hướng sản xuất hàng hóa và cạnh tranh với các vùng khác trong cả nước, việc xác định thực trạng chất lượng và yếu tố hạn chế của đất nông nghiệp đối với việc sản xuất, đồng thời đề xuất những giải pháp khoa học kỹ thuật phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa khu vực này là rất cần thiết.
Các loại đất chính vùng Tây Bắc và các yếu tố tác động đến chất lượng đất
Theo kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ đất nông nghiệp cho vùng Tây Bắc do Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thực hiện năm 2014, đất nông nghiệp vùng Tây Bắc gồm 10 nhóm đất chính, 17 đơn vị đất (Bảng 1) và được chia thành 3 kiểu hình thành chính: (i) Gồm nhóm đất Leptosols, Nitisols, Ferrasols, Alisols, Acrisols – là những loại đất hình thành tại chỗ trên nhiều dạng địa hình khác nhau từ dạng đồi thấp đến địa hình núi cao, thường chịu tác động mạnh của quá trình rửa trôi bề mặt; (ii) Gồm Calcisols, Luvisols, Regosols – là những nhóm đất hình thành do quá trình tích lũy sản phẩm dốc tụ (do những sản phẩm xói mòn từ đồi núi đổ xuống theo dòng chảy được tích tụ lại), phân bố tại các thung lũng, vùng ven chân đồi hoặc lưng sườn đồi núi thoải; (iii) Gồm Fluvisols và Gleysols – là nhóm đất hình thành trên trầm tích phù sa do sự bồi đắp của các con sông, suối lớn chảy qua địa bàn vùng. Trong số các nhóm đất này, nhóm đất xám (Acrisols) chiếm diện tích lớn nhất với 82,95% diện tích điều tra toàn vùng, phân bố ở tất cả các tỉnh. Trong khi đó, tại Lai Châu, Lào Cai, Sơn La vẫn còn diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên loại đất tầng mỏng (Leptosols) do chịu ảnh hưởng của xói mòn. Riêng Lào Cai có trên 6.700 ha loại đất… Điều này cho thấy do thiếu đất canh tác nông nghiệp phù hợp nên bà con vùng núi phải sử dụng những loại đất có nhiều yếu tố hạn chế.
Bảng 1. Bảng phân loại đất và diện tích các loại đất nông nghiệp vùng Tây Bắc (ha)
Kết quả nghiên cứu tài nguyên đất nông nghiệp vùng Tây Bắc cho thấy trong tổng số diện tích điều tra có hơn 40% diện tích đất phân bố ở độ dốc > 15O, trong đó diện tích >25O chiếm khoảng 7% bao gồm đất xám, đất tầng mỏng, đất đỏ, đất đen – nơi chủ yếu canh tác nông nghiệp với độ che phủ thấp. Ngoài vấn đề về độ dốc thì ảnh hưởng của xói mòn, rửa trôi từ phương thức canh tác nương rẫy “mở” không có thời gian bỏ hóa trên các sườn dốc theo truyền thống lại không bón phân hoặc rất ít sử dụng phân bón là những nguyên nhân làm cho đất đồi núi vùng Tây Bắc ngày càng nghèo kiệt về dinh dưỡng. Do đó, đối với những vùng có địa hình dốc, cần đặc biệt quan tâm và phải có biện pháp canh tác phù hợp vì nguy cơ xói mòn đất rất lớn.
Không chỉ dốc, đất sản xuất nông nghiệp vùng Tây Bắc còn có mức độ đá lẫn lớn, đặc biệt là các loại đất hình thành tại chỗ, điển hình là đất tầng mỏng, thậm chí nhiều loại đất có mức độ đá lẫn lên tới 60-70%. Những vùng đất canh tác có tỷ lệ đá lẫn cao (> 40%) tập trung ở Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Những vùng đất có nhiều đá lẫn chủ yếu phân bố trên dạng địa hình có độ dốc cao và có lịch sử canh tác nông nghiệp lâu đời. Đây có thể là nguyên nhân từ hiện tượng xói mòn, rửa trôi bề mặt do mưa trên đất dốc thông qua quá trình canh tác mà không có biện pháp che phủ bảo vệ. Tỷ lệ đá lẫn cao là một hạn chế khó khắc phục, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bộ rễ của cây trồng, ngoài ra đây là một hạn chế lớn tác động đến quá trình làm đất. Vì vậy, trong sử dụng đất cần có các biện pháp bảo vệ như tăng độ che phủ bề mặt, bón phân hữu cơ…
Về độ chua của đất (đánh giá thông qua giá trị pHKCl), các nghiên cứu cũng cho thấy diện tích đất có pHKCl <4,5 là rất lớn, khoảng trên 700.000 ha trong vùng điều tra. Ngoại trừ nhóm đất mùn trên núi cao, đất đen và một vài loại đất như đất phù sa điển hình ít chua hay đất dốc tụ đọng nước… thì hầu hết các nhóm đất đều có phản ứng rất chua. Đây là hạn chế lớn với hầu hết các cây trồng bởi để sử dụng các loại đất này vào mục đích trồng trọt, cần phải điều chỉnh phản ứng của đất trước khi sử dụng. Đối với vùng đồng bằng, biện pháp hữu hiệu để tăng pH đất là bón vôi, còn đối với vùng đồi núi thì cần đưa vào trồng các loại cây cải tạo đất.
Bên cạnh yếu tố về độ chua, đất Tây Bắc cũng cần chú ý vấn đề dinh dưỡng. Hiện dinh dưỡng của đất ở mức thấp đến trung bình thông qua hàm lượng hữu cơ, đạm tổng số, lân dễ tiêu, kali tổng số và kali dễ tiêu đều rất thấp. So sánh với nhu cầu của các cây trồng phổ biến trong vùng thì hàm lượng các chất dinh dưỡng chính trong đất đều thấp và là yếu tố hạn chế, cần phải bổ sung thông qua cải tạo đất và bón phân.
Đáng chú ý là ngoài các yếu tố liên quan trực tiếp đến đất, sản xuất nông nghiệp Tây Bắc còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố về điều kiện tưới, điều kiện khí hậu, lượng mưa và các hoạt động khai thác của con người. Về điều kiện tưới, khả năng phát triển các công trình thủy lợi ở Tây Bắc gặp nhiều khó khăn. Trong tổng diện tích điều tra, cho đến thời điểm này chỉ có khoảng 20% diện tích có thể chủ động được nước tưới, phần còn lại phụ thuộc vào nước trời, do vậy, những năm khô hạn kéo dài là những năm mất mùa hàng loạt đối với hầu hết các loại cây trồng trong vùng. Về điều kiện khí hậu, hạn chế lớn nhất của điều kiện khí hậu vùng Tây Bắc nói chung là nhiệt độ thấp và sương muối, lượng mưa không đồng đều trong năm. Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho thấy trong tổng số 21 trạm khí tượng ở vùng Tây Bắc có 16 trạm đã từng quan trắc thấy sương muối, những khu vực có độ cao từ 600 m đến 1.000 m đều có từ 4 – 14 năm xuất hiện sương muối với tần suất từ 17% đến 46%. Ở độ cao trên 1.500 m thì hầu hết các năm đều xuất hiện sương muối. Sương muối xuất hiện trong các tháng mùa đông (từ tháng mười một đến tháng ba năm sau) (Nguyễn Hồng Sơn và nnk, 2012). Sương muối và nhiệt độ thấp là 2 yếu tố hạn chế lớn đối với đời sống cây cà phê và cây cao su trong vùng. Về lượng mưa, mưa phân bố không đều theo mùa trong năm; tập trung vào mùa hè, chiếm gần 80%, mưa lớn nhất vào các tháng sáu, bảy và tám. Trong khi đó, khô hạn thường kéo dài từ tháng mười hai năm trước đến tháng ba năm sau, thậm chí có năm quan sát thấy khô hạn kéo dài đến tháng năm (năm 2010) và có tháng không có ngày mưa nào (tháng 1/2006). Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của cây trồng, đặc biệt là các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè, cao su, mía…
Bên cạnh các yếu tố khách quan về thời tiết, khí hậu thì các hoạt động phát triển của con người cũng tác động tiêu cực không nhỏ tới đất nông nghiệp Tây Bắc thông qua các hoạt động khai thác khoáng sản/vật liệu xây dựng không quy hoạch và trái phép; phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các nhà máy thủy điện, các cụm – khu công nghiệp và đô thị; tàn phá rừng khiến chức năng giữ nước và bảo vệ đất suy giảm mạnh…, do đó cần hết sức cân nhắc các hoạt động phát triển tại vùng Tây Bắc, tránh tình trạng phát triển bằng mọi giá làm ảnh hưởng đến môi trường và các loại tài nguyên trong vùng.
Bảng 2. Một số tính chất đất tầng mặt của đất sản xuất nông nghiệp vùng Tây Bắc Việt Nam
Lương Đức Toàn (Trưởng Bộ môn Sử dụng đất, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) và Nguyễn Xuân Lai (Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa