ThienNhien.Net – Tỉnh Kon Tum cho rằng diện tích rừng thông bị triệt hạ kém phát triển, nằm ngoài quy hoạch du lịch, tuy có ảnh hưởng đến môi trường nhưng không đáng kể.
Ngày 31-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) tỉnh Kon Tum tổ chức họp báo thông tin về việc khai thác và chuyển đổi diện tích rừng thông trồng để thực hiện các dự án nông nghiệp trên địa bàn huyện Kon Plông (Báo Người Lao Động ngày 28-8 đã phản ánh).
Thông xấu, cây thấp?
Ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum – chủ trì buổi họp báo, đã cung cấp một số thông tin về hiện trạng đất rừng và đất lâm nghiệp tại địa bàn huyện Kon Plông; các chủ trương của trung ương và địa phương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo ông Hải, có 6 dự án phát triển nông nghiệp chuyển đổi đất rừng với tổng diện tích hơn 480 ha, trong đó diện tích rừng thông là hơn 400 ha. Đây là những khu vực quy hoạch đất rừng sản xuất không ảnh hưởng đến quy hoạch rừng phòng hộ. Những diện tích này cũng không nằm trong quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái của tỉnh Kon Tum. Hơn nữa, đây là những diện tích thông trồng, đã đến thời kỳ khai thác, hiệu quả kinh tế không cao.
Ông Vũ Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, cho biết trước khi giới thiệu đất cho doanh nghiệp (DN), nhiều cơ quan chuyên môn đã khảo sát, đánh giá hiện trạng rừng thì đây là diện tích thông trồng kém hiệu quả. Vùng đất này trước đây mật độ trồng 1.600 cây/ha nhưng hiện đạt chưa tới 300 cây/ha. “Hai quả đồi cạnh nhau nhưng có thể bên quả đồi này thông rất đẹp, còn quả đồi kia lại rất xấu. Không khẳng định toàn bộ nhưng đa phần diện tích chuyển đổi trồng mắc ca là thông xấu, cây thấp” – ông Bắc lý giải khi các phóng viên đặt vấn đề diện tích thông trên địa bàn hiện rất đẹp, phát triển tốt nhưng tại sao lại thông tin cây kém phát triển.
Về việc triệt hạ 91 ha trong tổng số 198 ha rừng thông và giao đất cho Công ty TNHH Đăng Vinh (Bình Định) để trồng cây mắc ca vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, như cây mắc ca không đạt hiệu quả, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương và đầu ra không có, đại diện Sở NN-PTNN thừa nhận việc tỉnh Kon Tum đồng ý cho thực hiện dự án khi chưa trồng khảo nghiệm trên địa bàn huyện Kon Plông. Tuy nhiên, so sánh với các địa phương đã trồng cây mắc ca thành công như tỉnh Đắk Nông thì Kon Plông có nhiều điều kiện tương đồng. Về đầu ra, tỉnh đang kết hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam để khảo sát, thành lập các trạm thu mua.
Theo ông Nguyễn Trung Hải, trên địa bàn có một DN đưa cây mắc ca về trồng tự phát đã phát triển tốt. Tính toán sơ bộ cho thấy nếu cây mắc ca đạt năng suất, một năm có thể lãi 300 triệu đồng. Về độ cao, đất dốc, điều kiện để cây mắc ca phát triển, đầu ra của sản phẩm thì chắc chắn DN đã tính toán theo phương án của họ. “Nếu dự án không hiệu quả thì trước hết DN phải chịu trách nhiệm” – ông Hải nói và cho biết việc trồng cây gì là do DN đề nghị, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT chỉ là cơ quan khuyến cáo.
Phản cảm về du lịch, sinh thái
Ông Nguyễn Hải Vân, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, cho biết dự án trồng cây mắc ca đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đồng thời có quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty TNHH Đăng Vinh thuê để trồng mắc ca.
Trước các chất vấn của phóng viên về việc huyện Kon Plông đã được quy hoạch là khu du lịch sinh thái, việc triệt hạ rừng thông để trồng mắc ca sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch, môi trường thì ông Nguyễn Trung Hải cho rằng bản thân cây mắc ca cũng là cây lâm nghiệp. “Ở Úc cũng trồng rừng bằng cây mắc ca. Cây mắc ca khi được 7-8 năm thì cũng tạo cảnh quan, khí hậu, môi trường như là cây thông. Vì vậy, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường” – ông Hải khẳng định.
Tuy nhiên, PGS-TS Bảo Huy, giảng viên cao cấp Trường ĐH Tây Nguyên, cho rằng thay cây thông bằng mắc ca là phản cảm về du lịch, sinh thái. Rừng thông trồng nơi đây thích hợp về khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh thái tốt. Những loại cây trồng chưa được kiểm chứng như mắc ca thì chắc chắn không thể khẳng định tính ổn định, bền vững như rừng thông được.
Cũng theo ông Huy, về mặt cảnh quan, cây thông tạo cảnh quan tốt, mắc ca không thể thay thế được. Còn những yếu tố khác liên quan đến môi trường về hấp thụ carbon, giữ đất, giữ nước, chắn gió thì cần phải nghiên cứu, chứ không ai khẳng định được bằng hay không bằng.
Nợ thông tin
Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đã đặt vấn đề việc có ưu ái cho Công ty TNHH Đăng Vinh hay không khi trong năm 2015, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Măng Đen cũng xin triển khai dự án trồng mắc ca xen canh cà phê – chè ở huyện Kon Plông nhưng không được đồng ý vì lý do “Nội dung đề nghị đầu tư của công ty chưa phù hợp với thời điểm hiện nay”. Một nội dung khác cũng phóng viên được đặt ra là Công ty TNHH Đăng Vinh đã gửi tờ trình xin chuyển sang trồng xen cây ăn quả vào mắc ca chứ không trồng thuần như được cấp chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đại diện Sở NN-PTNT cho biết sẽ nắm lại nội dung rồi thông tin sau. |