ThienNhien.Net – Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đã dành cho Báo NNVN cuộc phỏng vấn, qua đó làm rõ về những đóp góp của ngành Nông nghiệp thời gian qua và những tháng cuối năm.
Ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Phát triển bền vững ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Thưa Thứ trưởng, thời gian qua ngành nông nghiệp đã có những nỗ lực góp phần vào tăng trưởng GDP của đất nước. Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật của ngành trong những tháng đầu năm nay?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: 7 tháng đầu năm 2017, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; cùng với đó giá cả một số mặt hàng nông sản thay đổi bất thường, nhất là đối với ngành chăn nuôi lợn… Nhưng với sự chủ động thích ứng, hành động quyết liệt của các ngành, các cấp cũng như việc đẩy mạnh các biện pháp tái cơ cấu ngành, toàn ngành Nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, tăng trưởng khá nhanh, toàn diện.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2017 tăng 2,65% (so với mức âm 0,18% cùng kỳ năm 2016), trong đó lĩnh vực thủy sản có mức tăng 5,08%; lĩnh vực lâm nghiệp tăng 4,31%, lĩnh vực trồng trọt tăng 2,01% ( cùng kỳ năm trước giảm 0,78%). Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 20,45 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2017, dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, Bộ đã rà soát, xây dựng phương án tăng trưởng toàn ngành, cả năm tối thiểu phải đạt 3,05%; trong đó: lĩnh vực trồng trọt tăng 2,1 – 2,2%, chăn nuôi tăng 2,95%, thủy sản tăng 5,0 – 5,3% và lâm nghiệp tăng 6,0%; kim ngạch xuất khẩu tối thiểu đạt 33 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng, đâu là điểm mấu chốt khiến ngành Nông nghiệp đạt kết quả ấn tượng như vậy?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Nông nghiệp, nông thôn với trên 65% dân số và trên 41% lao động gắn chặt chẽ với toàn bộ các hoạt động kinh tế, trật tự an toàn xã hội; chúng tôi cho rằng, những thành quả đạt được trong nông nghiệp là kết quả của cả quá trình đổi mới, sáng tạo, kiên trì của toàn Đảng, toàn dân ta. Những thành quả ấy là kết quả của những khởi điểm cơ bản sau:
Một là, thành quả của công cuộc hơn 30 năm đổi mới với đường lối, chính sách đúng đắn, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Chính phủ.
Ngay từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trực tiếp dự các hội nghị quan trọng của ngành, chỉ đạo những giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy phát triển, nhất là đối với ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; phát triển ngành nuôi tôm, kiến tạo hình thành nền nông nghiệp hữu cơ; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tháo gỡ nhiều nút thắt về cơ chế, phát triển thị trường trong nước, quốc tế.
Hai là, Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các ban/bộ/ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, khai thác lợi thế, khắc phục khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng; chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, giải quyết kịp thời những bất lợi từ thị trường để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả.
Bộ đã bám sát thực tiễn, mở rộng hợp tác quốc tế; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, duy trì thị trường nông sản, mở rộng thị trường mới, tiềm năng, khẳng định uy tín, thương hiệu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế; khuyến khích thị trường trong nước.
Ba là, sự sáng tạo, chủ động, tích cực của người dân và doanh nghiệp với nhiều cách làm mới, nhiều mô hình có hiệu quả từ ứng dụng công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng để gia tăng giá trị sản phẩm. Qua đó hình thành nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản; nhiều hộ gia đình và nhóm hộ đã giàu lên.
Năm 2017, ngành NN-PTNT quyết tâm phấn đấu đạt mức tăng GDP khoảng 3,05%; tổng kim ngạch xuất khẩu tối thiểu đạt 33 tỷ USD. Bộ sẽ có giải pháp gì nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cũng như kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, thưa Thứ trưởng?
Đúng là hai mục tiêu cơ bản trên là rất cao, nhưng ngành nông nghiệp sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng của cả nước đạt 6,7% trong năm nay.
Bộ NN-PTNT đã xây dựng phương án, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương để thực hiện quyết liệt, đồng bộ với các giải pháp tập trung là: (1) Rà soát lại chiến lược, quy hoạch, cơ cấu lại các ngành hàng sản xuất cụ thể phù hợp với nhu cầu thị trường và biến đổi khí hậu; (2) phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; (3) tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; (4) rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách; (5) đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được giao; (6) Tăng cường năng lực dự báo và phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại; (7) Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, Bộ đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản. Tập trung nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm. kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản kỹ thuật phi thuế quan, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài; tập trung đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại.
Đối với trồng trọt, chỉ đạo sản xuất tốt vụ HT, vụ mùa và vụ TĐ, tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng, giá trị cao; chuyển đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường trong điều kiện vẫn đảm bảo an ninh lương thực; phòng trừ kịp thời, không để sâu bệnh phát sinh thành dịch, gây hại trên diện rộng.
Đối với chăn nuôi, tiến hành đánh giá, tổng hợp tình hình sản xuất chăn nuôi tại các địa phương; nghiên cứu và dự báo sát hơn cung và cầu sản phẩm chăn nuôi (cả trong nước và thế giới) để rà soát, điều chỉnh lại Chiến lược phát triển, xây dựng kế hoạch cơ cấu lại để hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, người dân có phương án tái đàn hợp lý, tiêu thụ thuận lợi, bảo đảm nguồn cung thịt cho các dịp lễ, tết cuối năm.
Đối với thủy sản, tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững; Tiếp tục phối hợp xử lý sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, tổ chức tốt hoạt động khai thác xa bờ; sản xuất trên biển theo chuỗi, nhân rộng mô hình liên kết giữa ngư dân với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi, ưu tiên đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ một số đối tượng chủ lực (cá tra, tôm nước lợ, nhuyễn thể…).
Đối với lâm nghiệp, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020 theo phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg, ngày 16/6/2017của Thủ tướng Chính phủ; triển khai quyết liệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tới các đơn vị và địa phương.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục thực hiện các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CPngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với giải pháp trọng tâm là cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý đánh giá rủi ro; công bố, chuẩn hóa 508 thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý; triển khai cơ chế một cửa Quốc gia; khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử… nâng cao tinh thần phục vụ của công chức trong Bộ.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị hướng về nông nghiệp hiện nay, cùng với các giải pháp trên của Bộ NN-PTNT, chúng tôi tin tưởng rằng năm 2017 ngành Nông nghiệp sẽ về đích thành công.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ NN-PTNT xác định 8 giải pháp đột phá nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020. Để tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tế, cần triển khai đồng bộ cả 8 giải pháp, trong đó trọng tâm là phải hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (đổi mới mô hình tăng trưởng) để tạo “đột phá” trong cơ cấu lại nông nghiệp. |