ThienNhien.Net – Ông Phạm Hòa Dũng – Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cho biết, đơn vị được giao quản lý và phát triển rừng với diện tích hơn 23,5 ngàn hécta.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, lâm phần do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Cty Nam Tây Nguyên) quản lý đã xảy ra 15 vụ phá rừng và lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích 16,3ha. Theo ông Dũng, dù quản lý diện tích rừng lớn nhưng hiện đơn vị có lực lượng mỏng với 5 phân trường, 1 trạm bảo tồn quản lý.
“Nhiều đối tượng phá rừng manh động sử dụng súng tự chế, dao rựa chống trả khi lực lượng chức năng cưỡng chế, lập biên bản. Cuộc chiến giữ rừng hiện rất phức tạp nhưng chúng tôi không có công cụ xử lý mà chỉ có có thể… lập biên bản các trường hợp phá rừng để gửi các đơn vị có liên quan đến xử lý. Nhiều trường hợp chúng tôi phát hiện sự vụ và lập biên bản, đến khi kiểm lâm, UBND xã, huyện vào cuộc thì lâm tặc cao chạy xa bay rồi” – ông Dũng nói.
Tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông), tình trạng phá rừng do dân di cư tự do phá chưa có chiều thuyên giảm, các đối tượng phá rừng sẵn sàng hành hung, đốt trạm bảo vệ rừng nếu bị bắt giữ.
Ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến – cho biết, tại diện tích do đơn vị quản lý khoảng 126 hộ ngang nhiên phá hàng trăm hécta rừng lấy đất sản xuất. Không chỉ phá rừng bởi di dân tự do, nhiều đối tượng người địa phương phá rừng theo kiểu “du kích” để lấy đất sản xuất…
“Đã không ít lần nhân viên bảo vệ bị các đối tượng hành hung, cản trở nhưng chúng tôi không thể xử lý vì không có thẩm quyền(!?). Các vụ phá rừng xảy ra, chúng tôi đều báo cáo lên cấp trên nhưng chưa được xử lý triệt để, chậm vào cuộc khiến diện tích rừng do HTX quản lý bị tàn phá” – ông Đức nói.
Việc chủ rừng than khó vì những bất cập trong công tác QLBVR là chuyện “biết rồi, nói mãi”. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhận định mô hình các đơn vị quản lý bảo vệ và kinh doanh nghề rừng chưa ổn định; tổ chức hoạt động không thống nhất. Các chủ rừng chịu trách nhiệm rất lớn nhưng các điều kiện cần thiết như, phương tiện, trang thiết bị hạn chế, lực lượng mỏng và thiếu so với quy định, chức năng, quyền hạn chưa rõ ràng… chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ…
Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ bất cập trong việc quy định chức năng xử lý thì chính quyền địa phương cùng chủ rừng cần tăng cường phối hợp thường xuyên để hạn chế tiến tới chấm dứt nạn phá rừng.