ThienNhien.Net – Dãy “phố” tái định cư với hàng chục ngôi nhà san sát, giống nhau từng mái ngói, màu sơn, nằm ngay ngắn trước con đường bê tông trải dài tít tắp, cột điện giăng phủ dọc đường… Tất cả đều sẵn sàng, chỉ thiếu vắng những vị chủ nhân.
Thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum nằm im lìm giữa khung cảnh núi rừng. Mặc dù diện mạo mới mẻ, khang trang, nhưng tĩnh lặng và thưa người. Đa phần đều cửa đóng then cài, chỉ thấy vài trẻ nhỏ chơi đùa với cỏ cây.
Đăk Tăng là thôn tái định cư phục vụ dự án Thủy điện thượng Kon Tum, nơi đây có tổng cộng 66 hộ (vốn được tách từ 42 hộ trước đây), chủ yếu là bà con dân tộc Xê Đăng. Thôn bắt đầu chuyển đến từ 2015, nhưng do thiếu đất sản xuất nên đa phần vẫn canh tác tại lòng hồ thủy điện, tranh thủ thời gian thủy điện chưa tích nước.
Mặc dù theo cam kết của Ban Quản lý dự án, mỗi hộ sẽ được bố trí 0,4 ha ruộng lúa nước (trong đó chủ đầu tư khai hoang 0,2ha và hỗ trợ cho dân tự khai hoang 0,2ha), 1 ha nương rẫy và 1.000 m2 đất ở, song sau gần 3 năm tái định cư, người dân chưa được cấp đất sản xuất đầy đủ.
Ông A Lek, thôn Đăk Tăng tâm sự: “Mình về đây từ 2015. Hồi trước, cả gia đình sống ở khu vực lòng hồ thủy điện bây giờ, ở đó có ruộng, rẫy, lại ven suối nên cuộc sống khá hơn. Giờ về đây chưa được cấp đất rẫy, nghe nói cấp cho mỗi hộ 1 ha nhưng chưa biết cấp chỗ nào. Từ đó đến nay mới chỉ cấp ruộng lúa gần 4 sào nhưng ruộng ở xa, để đi đến chỗ ruộng mất hơn 2 tiếng đi bộ”.
Còn chị Y Vùng, 20 tuổi, buồn rầu nói: “… đất ở đây trồng không được, xung quanh thôn là rừng rồi, chỗ nào có đất trống thì trồng mì nhưng củ không to mà trồng cà phê cũng không được. Đất dốc nên khi mưa xuống bị sạt lở, đất trôi xuống suối, xuống khe hết. Ở đây buồn lắm, không có việc gì làm”.
Quả như lời chị Y Vùng, trải qua gần 3 mùa mưa, “phố” Đăk Tăng xuất hiện nhiều điểm sạt lở, xói mòn nặng, không chỉ xung quanh khu vực nhà ở mà gần các công trình phúc lợi như trường học, nhà văn hóa… Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất đối với bà con vẫn là vấn đề thiếu đất sản xuất. Cũng chính vì thiếu đất mà một số thì lặn lội về khu vực lòng hồ ngày xưa để canh tác, một số thì phá rừng. Rừng nơi đây khá tốt nhưng đang bị phá mạnh. Hầu như nhà nào ở Đăk Tăng cũng chứa gỗ, những khúc gỗ tròn với đường kính 50-60cm nằm ngổn ngang, thậm chí trong thôn có cả xưởng gỗ nhỏ với những tiếng cưa máy ồn ã cả một góc rừng.
Đáng chú ý là không chỉ riêng Đăk Tăng mà cách thôn chừng 20 km cũng có một khu “phố” tương tự mang tên Vi Rin với 42 nóc nhà tái định cư. 42 hộ này cũng di dời theo chương trình tái định cư Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum và quanh Vi Rin cũng đang được bao bọc bởi những quả đồi trơ trụi. Từ vài năm nay, cây rừng đã bị chặt hạ, đồi núi hoang tàn, thi thoảng mới bắt gặp một vài rẫy cà phê xứ lạnh. Vi Rin hiện có 42 hộ với hơn 180 nhân khẩu nhưng có đến hơn 20 hộ là hộ nghèo. Do cuộc sống của bà con vốn xưa nay phụ thuộc chủ yếu dựa vào rừng nên việc lấn rừng ở khu “phố” này khó tránh khỏi.
Thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 5.700 tỷ đồng. Công trình này sẽ xây dựng hồ nước trên dòng Đăk Snghé tại vùng đất thuộc xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy và xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, còn nhà máy nằm trên sông Đăk Lô tại xã Đăk Tăng và xã Ngok Tem của huyện Kon Plông. Dự án có đường hầm dẫn nước dài 20 km, cột nước cao 937 m, công suất 220 MW với 2 tổ máy, khởi công tháng 9/2009, dự kiến hoàn thành năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện đi vào vận hành. |
Văn Hoàng