ThienNhien.Net – Hiện trên địa bàn thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành có hơn 900 lò hầm than và việc xử lý khí thải, quy hoạch lại nơi xây dựng lò than chưa được bài bản và gặp nhiều khó khăn.
Người làm nghề hầm than củi ở Hậu Giang không nhớ rõ nghề này đã xuất hiện nơi đây từ lúc nào và họ cũng không nhớ đã làm nghề bao lâu, chỉ nhớ là đã làm nghề trên 20 năm. Có chủ lò nhớ làm nghề trên 30, 40 năm. Những cái lò hầm than củi nơi đây đang giúp nhiều người dân có cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học thành tài.
Duy trì nghề để nuôi con ăn học
Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có hai địa phương là thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành tập trung nhiều lò hầm than nhất. Đây cũng được xem là nơi tập trung nhiều lò than nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đi dọc con đường nông thôn thuộc xã Tân Thành (thị xã Ngã Bảy) và xã Phú Tân (huyện Châu Thành) hình ảnh những đống củi được xếp hàng, chất thành nhiều lớp nằm ở hai bên đường kéo dài hàng cây số.
Đang chờ để đưa tiếp củi đốt vào lò hầm than, trước căn nhà tường khang trang, bà Châu Thị Điều, ở ấp Đông An 2A, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Trước đây ba mẹ làm lò hầm than và để ruộng cho hai vợ chồng tôi làm chỉ được vài ba công nên thu nhập không ổn định. Sau này cha mẹ lớn tuổi, vợ chồng tôi thấy làm lò hầm than hiệu quả hơn nên để ruộng cho người ta thuê, cả nhà tập trung vào lò hầm than”.
Hiện tại, lò hầm than của bà Điều đang chất 55 tấn củi nguyên liệu và dự kiến cho ra 13 tấn than trong khoảng một tháng tới. Theo bà Điều với 13 tấn than sản phẩm này, nếu bán giá giao động từ 7.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg thì thu lời được từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng.
Bà Điều cho biết, trong thời gian làm nghề hầm than, giá cả bán than có lúc lên có lúc xuống, nhưng kinh tế gia đình khá ổn định, đảm bảo nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Nhà tôi có hai đưa con, đứa lớn hiện đang học đại học ở Cần Thơ và sắp hoàn thành chương trình đại học, còn đứa nhỏ học lớp 4.
Không chỉ bà Điều, mà hàng trăm hộ dân làm nghề hầm than nơi đây có cuộc sống tương đối ổn định, phần lớn đều trang trải được chi phí cho con học đại học. Ngoài đảm bảo cuộc sống, nghề hầm than còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ và nhiều địa phương khác.
Do để tạo ra một mẻ than cần trải qua nhiều công đoạn và công việc khá nặng nhọc, nên hầu như chủ lò nào cũng phải thuê nhân công thực hiện các công đoạn khác nhau, từ khâu thu mua củi nguyên liệu đến khâu xuất than. Thu nhập của người làm thuê tại các lò than dao động từ 100.000 đồng/ngày đến 200.000 đồng/ngày, tùy vào công việc. Do đó, tại các nơi tập trung nhiều lò hầm than như xã Tân Thành, xã Phú Tân của Hậu Giang, hầu như không có việc người dân phải đi làm ăn xa.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư ấp Tân Phú, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết, nghề hầm than xuất hiện tại địa phương từ những năm 1980. Nhờ nghề này mà đời sống của người dân khá ổn định, có gia đình nuôi được cùng lúc hai người con học đại học.
Ảnh hưởng môi trường
Trước đây củi để hầm than chủ yếu là loại gỗ đước. Tuy nhiên vài năm trở lại đây gỗ đước ngày càng khan hiếm, nên nhiều chủ lò chuyển sang sử dụng các loại cây khác như củi nhãn, củi bạch đàn… làm nguyên liệu, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường.
Cùng với đó, công đoạn đốt lò phải trải qua khoảng 15 đến 20 ngày và phải đốt củi để lửa cháy liên tục cả ngày lẫn đêm cho đến khi than chín, nên lượng khói, bụi than thoát ra từ lò rất lớn; làm cho xung quanh khu vực làng nghề, nhà cửa, vườn cây ăn trái của người dân bị phủ đen bởi bụi than. Bụi than bám vào lá, hoa của cây trồng còn làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Văn Luân, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết xung quanh khu vực làng nghề hầm than, việc phát tán bụi than làm ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây ăn trái của người dân xung quanh đang rất lớn. Tuy nhiên, do nghề hầm than gần như trở thành nguồn thu chính của nhiều hộ dân của địa phương, nên chính quyền đang vận động người dân hạn chế phát triển nghề than và mong có đề án, quy hoạch phù hợp nhằm giúp ngành nghề phát triển nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Hiện trên địa bàn thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành có hơn 900 lò hầm than và việc xử lý khí thải, quy hoạch lại nơi xây dựng lò than chưa được bài bản và gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh phí hỗ trợ.
Giữa năm 2016, UBND tỉnh Hậu Giang có kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2017 trên địa bàn tỉnh; trong đó, xác định dự án hỗ trợ xử lý khí thải các lò hầm than trên địa bàn thị xã Ngã Bảy là một trong những dự án cần tập trung xử lý. Cũng như kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ các hộ làm nghề hầm than nghiên cứu, lắp đặt hệ thống xử lý khói bụi nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương. Tuy nhiên, đến nay tất cả vẫn trên giấy tờ.
Để phát triển nghề hầm than một cách bền vững, không gây ảnh hưởng đến môi trường và vẫn đảm bảo cuộc sống người dân đang là việc cần thiết đối với làng hầm than củi ở Hậu Giang. Để không còn cảnh trong khi chờ đợi các giải pháp thực hiện đồng bộ, triệt để thì những vườn cây và những người dân quanh đây phải tiếp tục sống chung với khói bụi, cũng như các chủ lò thấp thỏm trong nghề hầm than củi.