ThienNhien.Net – Kenya bắt đầu áp dụng lệnh cấm sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày kể từ ngày 28/8 và cảnh báo sẽ phạt tới 38.000 USD hoặc 4 năm tù giam nếu phát hiện bất cứ cá nhân nào sự dụng túi được làm từ nguyên liệu không có lợi cho môi trường này.
Trước đó, hôm 26/8, một tòa án tại Kenya đã bác bỏ đề nghị gỡ bỏ lệnh cấm mà các nhà sản xuất nội địa cảnh báo sẽ có thể làm khoảng 80.000 người mất việc làm.
Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh Kenya hàng tháng sử dụng tới 23 triệu túi nylon trong các giao dịch mua bán hàng ngày, gây ra những hậu quả rất lớn cho môi trường trong tương lai.
Giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) Erik Solheim hoan nghênh lệnh cấm này và gọi đây là “bước tiến lớn quan trọng” nhằm chấm dứt ô nhiễm từ rác thải nhựa.
Kenya tuyên bố lệnh cấm vào tháng 2, nhưng trì hoãn áp dụng 6 tháng để người tiêu dùng có thời gian chuẩn bị.
Lệnh cấm này đã đưa Kenya trở thành quốc gia tiếp theo của châu Phi sau Nam Phi, Rwanda và Eritoria ban hành cấm lưu hành các loại túi nylon – vật liệu không thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, lệnh cấm không không áp dụng đối với polythene – vật liệu làm từ nhựa nhiệt dẻo được sử dụng trong bao gói hàng hóa.
Túi nylon là một mối đe dọa thật sự cho môi trường, do các chất phân giải mà nó gây ra để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, các loài động vật cũng như cho các loài cá và chim.
Hiện, hàng chục quốc gia trên thế giới đã áp dụng quy định hạn chế hoặc cấm nhập khẩu và sản xuất, hoặc áp đặt thuế cao đối với túi nhựa.
Các nhà nghiên cứu Mỹ mới đây cho biết thế giới đang đối mặt với vấn đề rác thải nhựa với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn tích tụ trên Trái Đất. Khối lượng lớn rác thải nhựa hầu hết được vùi lấp trong các bãi chôn rác hoặc đổ vào các đại dương.
Theo một nghiên cứu do Quỹ Ellen MacArthur của nữ vận động viên du thuyền cùng tên người Anh thực hiện, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá trong lòng đại dương sẽ có một tấn rác nhựa và tới năm 2050, lượng rác thải loại này sẽ vượt cả lượng cá trên các đại dương. Bên cạnh đó, việc có hơn 95% túi nylon bị vứt bỏ sau một lần sử dụng cũng khiến nền kinh tế thế giới mỗi năm mất đi từ 80-120 tỷ USD.