ThienNhien.Net – Mặc dù đã đưa ra được hàng rào để hạn chế những dự án nhiệt điện than công nghệ thấp nhưng giới chuyên gia không kỳ vọng nhiều vào những “cây gậy” này. Bởi lẽ, dù có sử dụng công nghệ cao thì nhiệt điện than vẫn phải chạy bằng than và ở một mức độ nào đó vẫn phát thải CO2, khói bụi… gây ô nhiễm môi trường.
Mối nguy hiện hữu
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, điểm đáng chú ý trong thu hút FDI từ đầu năm đến nay là FDI “chảy vào” nhiệt điện than tăng mạnh, chỉ sau vị trí thứ nhất của công nghiệp chế biến, trong đó có 2 dự án nhiệt điện than tỷ USD đã được cấp phép. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá. Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư. Chưa kể, một loạt các dự án nhiệt điện khác cũng đang được các tập đoàn nước ngoài nghiên cứu như Nhiệt điện Dung Quất, Nhiệt điện Long An 1 và Long An 2, Nhiệt điện Quỳnh Lưu và Nhiệt điện Sóc Trăng.
Không phải đến bây giờ, nhiệt điện mới hấp dẫn các DN nước ngoài mà trước đó, nước ta cũng đã cấp phép một loạt các dự án lớn như Nhiệt điện Mông Dương 2, Nhiệt điện Hải Dương, Nhiệt điện Duyên Hải 2 và Nhiệt điện Vĩnh Tân 1… Nhìn vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh) có thể hiểu vì sao nhiệt điện than trở nên “hot” như vậy. Theo bản quy hoạch này, đến năm 2025 nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu nguồn điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than và đến năm 2030 tỷ lệ này vẫn là 53,2%.
Thế nhưng việc đổ xô vào đầu tư nhiệt điện than được giới chuyên gia cảnh báo rất nhiều bởi trên thực tế nhiệt điện than đã tác động xấu đến môi trường, gây hệ lụy cho xã hội. Ví dụ, tình trạng phát thải khói bụi xỉ tro từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực, hay mới đây là câu chuyện “nhận chìm” 1 triệu m3 bùn thải của nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Một nghiên cứu của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cũng chỉ ra, hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đã cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường, sức khỏe của người dân và gây áp lực cho các nhà quản lý. Mối lo này sẽ còn lớn hơn nữa nếu có thêm khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được xây dựng trên cả nước vào năm 2030. Cũng theo quy hoạch, vào năm 2030 tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18.000 MW. Đây sẽ là hiểm họa khôn lường cho hệ sinh thái nước và nguồn lợi thủy sản của khu vực này.
Chính vì những hệ lụy do nhiệt điện than gây ra, Bộ Công Thương đã công bố “danh sách đen” dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gồm: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh…
Giá đắt!
Với tác động do nhiệt điện than gây ra, yêu cầu quản lý chặt các dự án nhiệt điện than cấp mới cũng như có sự giám sát đặc biệt của Bộ Công Thương đối với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cần phải đặt ra.
Ông Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng Việt Nam cho biết, 50 năm qua chúng ta phát triển nhà máy nhiệt điện than nhưng hầu hết các dự án nhiệt điện than, công nghệ đều được nhập ở nước ngoài vì mình chưa sản xuất được gì, từ lò hơi, tuabin… Do đó, nếu tiếp tục phát triển nhiệt điện than như trong định hướng của Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì vẫn phải nhập thiết bị, công nghệ. Thế nhưng công nghệ thấp và rẻ thì tiêu hao nhiên liệu, gây ô nhiễm nhiều.
Một trong những hàng rào để ngăn chặn những dự án nhiệt điện than công nghệ thấp được ông Duệ đề xuất đó là phải thẩm định các dự án, bao gồm thẩm định khi lập dự án đầu tư và thẩm định về đấu thầu để lựa chọn những nhà máy nhiệt điện than có công nghệ cao, gây ô nhiễm thấp, tránh tình trạng nhập công nghệ lạc hậu, đặc biệt là công nghệ các nước thải ra, lạc hậu vào Việt Nam. Đó là điều kiêng kị nhất! Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện và bổ sung chặt chẽ trong việc cấp phép xây dựng, vận hành các nhà máy nhiệt điện than, đưa ra yêu cầu bắt buộc các dự án phải có công nghệ hiện đại, các chỉ tiêu về phát thải môi trường phải được tuân thủ.
Tuy nhiên, theo vị này, dù có công nghệ cao cũng không làm thay đổi sử dụng nhiên liệu than. Tức là công nghệ cao chỉ làm tăng hiệu suất, hạn chế suất tiêu hao nhiên liệu lên thôi, còn đặc điểm sử dụng nhiên liệu than là vẫn phát thải khí CO2, các chất độc hại ra môi trường.
Cũng có cùng quan điểm này, khi được hỏi về hàng rào ngăn công nghệ thấp ở các dự án nhiệt điện than, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, về lý thuyết có thể có biện pháp khắc phục nhưng công cụ ngăn chặn không lại so với chi phí đã bỏ ra và trót làm nhiệt điện than. Vậy nên, việc ngăn chặn các dự án công nghệ thấp còn phụ thuộc vào ý thức của DN, tức là DN phải hết sức cân nhắc lợi ích kinh tế đạt được nhưng đồng thời cũng phải thỏa mãn yếu tố bảo vệ môi trường.
Từ những ý kiến nêu trên có thể cho thấy, việc đưa ra hàng rào kỹ thuật để quản lý dự án nhiệt điện than là có thể, song những biện pháp này dường như không thấm vào đâu vì dù là công nghệ cao đến đâu thì nhiệt điện than vẫn phải sử dụng nhiên liệu than. Chính vì lẽ đó, ông Duệ cho rằng, hàng rào tốt nhất vẫn là từ mục tiêu phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VII, trong đó có việc điều chỉnh cơ cấu của nhiệt điện than, xem xét có thể thay thế bằng nguồn điện khác nữa thì càng tốt.