ThienNhien.Net – Nước đã trở thành loại vũ khí thực sự khiến Trung Quốc nắm trong tay một thứ đòn bẩy chính trị đáng kể đối với các quốc gia ở phương Nam
Dư luận thế giới đang dồn sự chú ý tới loại vũ khí quân sự hạng nặng nguy hiểm mới được Bắc Kinh phát triển, trong khi rất ít người để ý một thứ vũ khí thực sự ghê gớm ít ai ngờ tới của nước này: đập nước.
Hối hả xây đập
Tạp chí Mỹ National Interest nhấn mạnh Trung Quốc đang sở hữu một thứ vũ khí có thể giúp nước này đưa 1/4 dân số thế giới trở thành con tin mà không phải bắn một phát đạn nào.
Theo đó, với hơn 87.000 con đập và nắm quyền kiểm soát cao nguyên Tây Tạng, thượng nguồn 10 dòng sông lớn nuôi sống 2 tỉ người, Bắc Kinh đang sở hữu một vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cụ thể, Trung Quốc có thể xả nước từ các con đập lớn của mình, gây ra những trận lũ lụt kinh hoàng làm thay đổi toàn bộ hệ thống sinh thái ở các nước hạ lưu.
Trung Quốc biết rõ sức mạnh trực tiếp của nước. Thế nhưng, nhà phân tích Eugene K. Chow nhận định rất ít khả năng Trung Quốc sẽ chủ tâm thực hiện hành động hủy diệt như vậy đối với các nước láng giềng. Vấn đề là ở chỗ, Trung Quốc sẽ sử dụng đòn bẩy đầy hiệu lực này của một quốc gia ở thượng lưu để nắm quyền kiểm soát nguồn gốc thiết yếu nhất của sự sống.
Các dòng sông lớn nhất châu lục – như Mekong, Dương Tử, Hằng, Ấn và Irrawaddy, được mệnh danh là “Các tháp nước châu Á” – đều bắt nguồn từ đỉnh dãy núi Himalaya và chảy qua biên giới Trung Quốc trước khi đến khu vực Nam Á.
Để thỏa mãn nhu cầu quá lớn về điện và nằm trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng từ than đá, Trung Quốc đã lao vào xây dựng các con đập. Năm 1949, Trung Quốc chỉ có chưa đến 40 đập thủy điện nhỏ nhưng nay số đập ở nước này đã vượt qua tổng số đập ở Mỹ, Brazil và Canada cộng lại.
Riêng trên thượng lưu sông Mekong, Trung Quốc đã xây dựng 7 đập lớn và lên kế hoạch xây dựng thêm 21 đập nữa. Hoạt động xây dựng tăng mạnh lâu nay đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây ra nỗi lo sợ ở các quốc gia hạ lưu.
“Ngoài các vấn đề về môi trường, các con đập ở Tây Tạng còn có thể tác hại thảm khốc đối với Ấn Độ. Chúng có thể tuôn tràn cơn thịnh nộ khi xảy ra động đất, tai nạn hoặc do hành động phá hoại và có thể được sử dụng chống Ấn Độ nếu xảy ra chiến tranh” – chuyên gia Milap Chandra Sharma, Trường ĐH Jawaharlal Nehru ở New Delhi, bày tỏ lo ngại.
Quân bài để mặc cả
Ấn Độ đã thấm thía sự nguy hiểm của những đợt xả nước bất ngờ từ các đập của Trung Quốc, từng gây ra lũ lụt đáng sợ, trong đó một trận lũ từng gây thiệt hại ước tính 30 triệu USD và biến 50.000 người ở miền Đông Bắc Ấn Độ trở thành những kẻ không nhà.
Chưa hết, mỗi năm, cứ vào mùa mưa ở Trung Quốc, các quốc gia ở hạ lưu lại trong tình trạng báo động cao độ khi các con đập Trung Quốc xả nước để làm giảm áp lực mà chẳng mấy quan tâm chuyện cảnh báo. Ngoài lũ lụt, các con đập ở Trung Quốc còn được cho là có trách nhiệm về các trận hạn hán ngày càng tồi tệ hơn.
Hai thái cực nêu trên không chỉ làm nổi bật tác động đến môi trường của các con đập Trung Quốc mà còn là sự nhắc nhở thẳng thắn về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia phương Nam.
Qua việc kiểm soát dòng chảy nguồn nước trong khu vực, Trung Quốc có được một thế lực to lớn và nước này đã bị cáo buộc lạm dụng điều đó. “Trong ngoại giao, Trung Quốc vẫn sử dụng các con sông là quân bài để mặc cả” – ông Tanasak Phosrikun, nhà hoạt động Thái Lan, khẳng định.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc này. Năm 2016, phản ứng trước sự phẫn nộ của Ấn Độ liên quan đến các con đập của Trung Quốc, tờ Global Times tuyên bố: “Mối quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ không nên bị ảnh hưởng bởi “cuộc chiến tranh nước” không có thực”. Theo bài báo, Ấn Độ không cần phải có hành động thái quá đối với các dự án xây dựng đập vốn nhằm mục đích giúp phát triển hợp lý và tận dụng các nguồn nước.
Phủ nhận “cuộc chiến tranh nước” nhưng trong năm nay, Trung Quốc đã từ chối chia sẻ dữ liệu thủy văn với Ấn Độ, dù đã ký kết thỏa thuận. Dữ liệu trên rất quan trọng trong mùa mưa bởi nó sẽ giúp Ấn Độ dự báo một cách chính xác các trận lũ và đưa ra cảnh báo, cứu sống được tính mạng nhiều người và giảm thiểu thiệt hại.
Như thế, vô tình hay cố ý, nước đã trở thành loại vũ khí thực sự khiến Trung Quốc nắm trong tay một thứ đòn bẩy chính trị đáng kể đối với các quốc gia ở miền Nam nước này.