ThienNhien.Net – Báo điện tử Một Thế Giới nhận được bài viết của PGS.TS Võ Văn Minh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, trưởng nhóm DN-EBR (Đại học Đà Nẵng) phản biện mạnh mẽ về việc chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đang dự định cho phá hàng chục ha rừng dừa nước ở KKT Dung Quất nhằm phục vụ cho dự án nhà máy bột giấy VNT19.
Có phải quy hoạch “tô màu” và sự lãng phí trong đầu tư?
Tháng 5.2017, cộng đồng mạng “dậy sóng” vì thông tin rừng dừa nước Cà Ninh ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) sắp bị khai tử. Đây được xem vốn quý của tỉnh Quảng Ngãi và là “lá phổi xanh” của KKT Dung Quất. Thế nhưng, chỉ vì dự án nhà máy bột giấy VNT19 muốn sử dụng 50ha/70ha của rừng dừa này làm hồ chứa nước mà số phận rừng dừa nước hết sức mong manh.
Mặc dù rừng dừa xã Bình Phước có lịch sử trên trăm năm, nhưng người ta quyết định phá đi chỉ vì 1 dự án phát triển còn chưa biết kết quả “phát triển” ra sao, khi mà công nghệ sản xuất của dự án này còn bị hoài nghi. Trong khi đó, có 1 dự án khác chi hàng chục tỉ đồng chỉ để trồng lại rừng dừa tại một vị trí trước giờ chưa có dừa tồn tại!?
Dự án đó chính là dự án trồng rừng ngập mặn ven biển các xã Bình Phước, Bình Đông và Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi do Sở TN-MT làm chủ đầu tư, được phê duyệt tại quyết định số 1369/QĐ-UBND ngày 12.8.2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Dự án có tổng diện tích hơn 107ha, gồm diện tích trồng mới dừa nước hơn 65ha, diện tích phục vụ trồng rừng gần 42ha; tổng vốn đầu tư trên 21 tỉ đồng. Hiện nay đã trồng được hơn 38ha chiếm gần 59% so với diện tích đã phê duyệt.
Điều trớ trêu là khu vực trồng dừa này mới chỉ được 1 năm, nay dự án nhà máy thép Dung Quất “quan tâm” chọn làm hồ chứa nước. Tuy nhiên, lần này họ không đề nghị phá dừa làm hồ chứa mà chỉ đề nghị cho dừa nước “sống chung” với hồ nước.
Dư luận lại lo lắng liệu dừa nước “mới sinh” này có tồn tại được trong hồ nước không? Mặt khác, dư luận cũng đặt vấn đề rằng liệu cơ quan tham mưu quy hoạch phát triển các dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã làm hết trách nhiệm chưa? Liệu chính quyền tỉnh đã tính kỹ đến việc lãng phí đầu tư trên địa bàn tỉnh hay chưa? Nhiều câu hỏi lớn sẽ phải chờ đợi cơ quan chức năng!
Cần xem xét trách nhiệm của các bên liên quan nếu để xảy ra sự cố môi trường
Cũng trong tháng 5.2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chủ trì buổi họp tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất trước khi trình Bộ TN-MT thẩm định.
Ông Phó chủ tịch kết luận: đề nghị chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân Quảng Ngãi nếu để xảy ra ảnh hưởng môi trường và khẳng định “nếu nhà máy xả thải ra ảnh hưởng đến môi trường thì phải buộc dừng hoạt động”.
Về phía chủ đầu tư, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát khẳng định dự án thép Hòa Phát Dung Quất được sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, đảm bảo thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng. Với ưu thế của chu trình sản xuất khép kín, đầu ra của công đoạn trước là đầu vào của công đoạn sản xuất sau, các phụ phẩm tạo ra trong các công đoạn sản xuất đều được thu hồi và sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Nước làm mát thiết bị được xử lý tuần hoàn sử dụng lại, nước thải sinh hoạt được xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường và sử dụng lại, không thải ra môi trường.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty cổ phần Hòa Phát Dung Quất cũng đã cam kết đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường liên quan đến dự án; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai và thực hiện dự án. Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia mà dự án áp dụng; chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại khi để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường.
Ở đây có mấy ý cần khẳng định lại cho rõ rằng: Nếu chủ đầu tư cam kết thì phải cam kết trách nhiệm cá nhân và nếu để xảy ra sự cố thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân chủ đầu tư theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Hình sự Việt Nam. Chủ đầu tư có dám cam kết như vậy không?
Còn lãnh đạo tỉnh cũng không thể kết luận “nếu vi phạm… thì cho dừng…”. Thiết nghĩ nếu vi phạm thì phải xử lý theo đúng pháp luật hiện hành.
Mới chỉ ở giai đoạn tham vấn ĐTM nên lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cần chất vấn chủ đầu tư ở mấy điểm sau: Thứ nhất, chủ đầu tư đã mời đơn vị tư vấn đủ năng lực hay chưa? Báo cáo ĐTM đã tham vấn đầy đủ ý kiến của các bên liên quan đúng quy định hay chưa? Quá trình tham vấn ý kiến có đảm bảo khách quan hay chưa?
Thứ hai, nếu chủ đầu tư khẳng định “chu trình sản xuất khép kíp, đầu ra của công đoạn trước là đầu vào của công đoạn sản xuất sau, các phụ phẩm tạo ra trong các công đoạn sản xuất đều được thu hồi và sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Nước làm mát thiết bị được xử lý tuần hoàn sử dụng lại, nước thải sinh hoạt được xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường và sử dụng lại, không thải ra môi trường” thì dự án này có nhất thiết phải sử dụng nguồn nước đầu vào nhiều đến mức phải huy động cả nguồn đập ngăn mặn sông Trà Bồng, hồ Bình Đông và cả hồ Cà Ninh với việc tích nước khu vực dừa mới trồng hay không?
Liệu dự án chưa triển khai, mà các vấn đề liên quan đến môi trường chưa dự báo, đánh giá được thì khi vận hành có đảm bảo an toàn tuyệt đối hay không?
Thứ ba, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực đánh giá tác động môi trường và phải nhờ cậy đơn vị tư vấn hỗ trợ thì đơn vị tư vấn đưa ra giải pháp kỹ thuật tích nước hồ chứa (nơi đang triển khai trồng rừng với hàng chục tỉ đồng đầu tư) và để xảy ra dừa chết hoặc phát triển không như mong đợi, thì đơn vị tư vấn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường và khắc phục thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.
Cuối cùng, thiết nghĩ nếu chính quyền quyết tâm bảo vệ môi trường thì đề nghị tất cả các cam kết của chủ đầu tư phải được công khai cho cộng đồng và chính quyền biết và giám sát ngay từ bây giờ. Chỉ có như vậy mới đảm bảo niềm tin đối với nhân dân trước các sự kiện “điểm nóng” môi trường trong toàn quốc.
PGS.TS Võ Văn Minh