ThienNhien.Net – Cả UBND xã Tam Lãnh đến cơ quan thuế, chính quyền tỉnh Quảng Nam và các bộ ngành Trung ương vẫn chưa biết chính xác Cty vàng Bồng Miêu đã lấy đi bao nhiêu tấn vàng sau 10 năm khai thác. Chỉ con số nợ của Bồng Miêu và Phước Sơn (thuộc Cty mẹ – Besra) đã nợ thuế ở Quảng Nam lên đến 400 tỉ đồng là rõ ràng. Chưa kể những hệ lụy xấu, gây nguy hại cho môi trường khi Cty ngừng hoạt động, và tình trạng mất an ninh, mất kiểm soát, đang diễn ra nóng bỏng. Chính quyền địa phương, người dân đang kêu cứu từng ngày…
Thất thoát cả vàng lẫn thuế
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Cty vàng Bồng Miêu được phép khai thác từ tháng 3.1991, thời hạn 25 năm, kết thúc 5.3.2016.
Tuy nhiên, thực tế sau khi khoan thăm dò, xây dựng cơ bản, thì đến 2005 Cty mới chính thức khai thác lộ thiên ở Hố Gần, và 2009 khai thác tại hầm lò khu vực núi Kẽm. Theo tính toán, công suất khai thác ở mỏ vàng Bồng Miêu là 180.000 tấn quặng mỗi năm và hàm lượng vàng trung bình là 2,8g/1 tấn quặng.
Quá trình từ 2005-2013, Cty báo cáo đã khai thác gần 830.000 tấn quặng nguyên khai. Nhưng cũng từ đó đến nay Cty này không làm báo cáo nữa. Chính quyền địa phương cũng không hề kiểm soát được họ đã lấy đi bao nhiêu vàng từ Bồng Miêu.
Theo cơ quan thuế của tỉnh Quảng Nam, chỉ tính từ cuối tháng 7.2012 đến 5.2016, Cty vàng Bồng Miêu đã nợ thuế đến gần 100 tỉ đồng. Ngoài ra, tại mỏ vàng Đắk Sa, Phước Sơn (cùng Cty mẹ Besra với Bồng Miêu) cũng đã nợ thuế tỉnh này gần 340 tỉ đồng. Hiện nay, khi ngừng hoạt động, Cty vàng Bồng Miêu có đến 700 người bị mất việc, Cty vàng Phước Sơn thì thải loại 900 người.
Ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết, địa phương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Cty vàng Bồng Miêu khai thác cũng như khắc phục các tồn tại, vi phạm về môi trường, nợ thuế… Tuy nhiên, sự việc đã kéo dài nhiều năm, doanh nghiệp này không tuân thủ. Thậm chí Cty còn tỏ thái độ bất hợp tác, không thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ không gia hạn giấy phép khai thác đối với họ nữa. Đề nghị buộc Bồng Miêu phải đóng cửa mỏ vàng, bàn giao địa phương để tìm hướng giải quyết mới.
Kiến nghị đã đệ trình rõ ràng, tuy vậy từ tháng 10.2016 đến nay vẫn chưa được giải quyết, dẫn đến tình trạng khai thác vàng trái phép, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Cũng theo ông Toàn, ngoài biểu hiện tiêu cực mà mỏ vàng để lại nhãn tiền tại vùng mỏ, khoản nợ lương, bảo hiểm với công nhân và nợ thuế cả trăm tỉ đồng, thì nạn thổ phỉ đang xảy ra khốc liệt, các hoạt động mua bán trái phép chất cấm như xyanua, kíp điện, thuốc nổ… phục vụ việc khai khoáng đang diễn ra thường xuyên. Đặc biệt đáng lo ngại là nguy cơ sập hầm, vùi lấp nhiều người là có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bí thư Đảng ủy xã Tam Lãnh Nguyễn Tấn Hòa thì bảo: “Tình hình đã quá sức chịu đựng của địa phương. Cơ sở pháp lý thì mỏ vàng vẫn thuộc quản lý của Cty vàng Bồng Miêu, nhưng thực tế họ đã bỏ hoang. Lực lượng công an thì mỏng, không có kinh phí và thậm chí là không có trách nhiệm để bảo vệ mỏ vàng mà Nhà nước đã giao cho DN. Có thời điểm cá biệt, gần phân nửa dân số của xã đã mang quặng thải về tận nhà riêng trong khu dân cư để bòn mót, đánh hóa chất. Nhiều vụ dân xông lên cướp quặng nguyên khai của Cty để khai thác. Xã đã vận động người dân trả cả trăm tấn quặng. Song, điều lo ngại lớn hơn là việc mang bùn quặng ngâm các hóa chất độc hại như xyanua, thủy ngân, kim loại nặng… về tận khu dân cư gây nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường nước, khí độc cho cả cộng đồng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa vãn hồi”.
Chồng chất sai phạm
Trong lúc vỡ trận quản lý ở mỏ vàng, Bồng Miêu hỗn loạn trong thực trạng vô chủ thì UBND tỉnh Quảng Nam lại cấp phép cho Cty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 (gọi tắt là Cty 6666) khai thác tận thu kim loại, vàng tại Bồng Miêu. Theo đó, Cty này được vận chuyển quặng đuôi từ khu vực bãi thải của mỏ vàng Bồng Miêu về xưởng chế biến, tận thu vàng, chì và các kim loại khác với khối lượng xấp xỉ 3 triệu tấn. Việc chính quyền tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác tận thu cho Cty 6666 tại Bồng Miêu là trái luật định khi không thông qua Bộ TNMT.
Trong khi Cty vàng Bồng Miêu khai thác đã xây dựng hệ thống gồm nhiều bãi thải kiên cố, phân tầng để xử lý hóa chất trước khi thải ra môi trường, thì Cty 6666 đã lại không thực hiện quy trình tương tự. Việc ngâm hóa chất, đánh xyanua, thủy ngân… để tuyển vàng, phân kim của Cty 6666 không khác quy trình lấy vàng của Cty Bồng Miêu, nhưng Cty 6666 lại không xây dựng bãi thải như cam kết ban đầu. Việc khai thác tận thu diễn ra không khác mấy so với thổ phỉ, người lén lút khai thác trái phép tại đây. Đặc biệt, chất thải nguy hiểm của Cty 6666 thải thẳng ra môi trường. Trước thực trạng khai thác bát nháo, lẫn lộn giữa người trái phép và DN có phép tận thu, chính quyền xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh đã kiến nghị UBND tỉnh đình chỉ hoạt động của Cty 6666.
Cuối tháng 10.2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động khai thác tận thu của Cty 6666. Tuy nhiên doanh nghiệp này bất chấp, vẫn khai thác công nhiên. Tháng 1.2017, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục ra văn bản buộc Cty 6666 phải ngừng hoạt động bởi những biểu hiện sai phạm, gây ô nhiễm môi trường như nói trên.
Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt tại hiện trường vào những ngày này, chứng kiến Cty 6666 vẫn ngang nhiên vận chuyển quặng đuôi thải, ngâm ủ hóa chất, khai thác tận thu. Thậm chí nhân viên bảo vệ của Cty 6666 còn hoạnh họe chiến sĩ công an Đồn Tam Lãnh vì đưa nhà báo vào mục sở việc khai thác của họ.
Căn cứ theo 2 quyết định tạm dừng hoạt động khai thác của chính quyền tỉnh Quảng Nam, suy ra là việc mua bán, vận chuyển hóa chất xyanua – hàng cấm vào mỏ vàng Bồng Miêu thời điểm này là trái phép. Vì vậy, vụ Cty 6666 chở 1 tấn xyanua vào Bồng Miêu, bị bắt hôm 11.8 đang được chuyển cơ quan điều tra.
Mới đây, 50 cán bộ công nhân Cty vàng Bồng Miêu trong số 700 người bị mất việc đã kéo nhau xuống tận quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng – trụ sở của Cty mẹ – Besra để đòi nợ.
Theo anh Vũ Thanh Hải – một công nhân có thâm niên 15 năm làm tại Bồng Miêu thì Cty đã nợ BHXH của họ lên đến con số 3,8 tỉ đồng. Điều đáng nói là họ đã bị Cty đều đặn trừ tiền BHYT, BHXH hằng tháng, trong suốt nhiều năm làm việc. Tuy nhiên, đến khi Cty ngừng hoạt động, CN xin giải quyết chế độ thôi việc thì mới phát hiện là họ không nộp BHXH cho người lao động lên cơ quan bảo hiểm. Thậm chí, không biết là Cty đã nợ của BHXH của từng người là bao nhiêu, từ năm nào. Đến 31.7.2017, bà Nguyễn Hải Nhung – tân TGĐ Cty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu – mới có công văn trả lời người lao động. Tuy nhiên bà Hải Nhung chỉ hứa mơ hồ là “mong các bạn hãy thông cảm, kiên nhẫn chờ đợi…”. Thực ra, bà Nhung chỉ là trợ lý ban GĐ, vừa được bổ nhiệm Tổng GĐ khi Cty Bồng Miêu ngừng hoạt động, tẩu tán tài sản và có biểu hiện “bỏ của chạy lấy người”. Vì vậy, người lao động không hy vọng gì việc sẽ đòi được tiền nợ lương, BHXH của mình.
Tình hình thất thoát tài nguyên vàng, mất kiểm soát trong hoạt động khai thác tại Bồng Miêu, Phước Sơn và thất thu thuế đã khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam không còn tin tưởng vào Tập đoàn Besra, Cty vàng Bồng Miêu, Phước Sơn. UBND tỉnh thậm chí đã nhiều lần đề nghị Chính phủ, bộ Tài nguyên và Môi trường đóng cửa mỏ và không xem xét việc tái cơ cấu ở Cty vàng Phước Sơn, gia hạn khai thác cho Cty vàng Bồng Miêu. Tuy nhiên, sự việc chưa được Trung ương giải quyết dứt điểm.
“Nếu Chính phủ không có giải quyết dứt điểm theo kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thì hậu quả sẽ còn tiếp tục xảy ra ở xứ sở vàng Bồng Miêu.”
Từ ngày Bồng Miêu khai thác vàng (2005) đến nay tình hình an ninh trật tự bất ổn. Riêng vì khai thác thổ phỉ, mất kiểm soát đã gây ra 14 vụ sập hầm lò, làm 23 người chết, 5 người bị thương. Nghiêm trọng là xã miền núi này liên tục diễn ra các vụ đánh nhau do tranh giành hầm mỏ, lãnh địa. Nhiều vụ trấn cướp, chém người đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự địa phương. Lợi dụng sự quản lý thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân cũng đã lấn chiếm đất rừng, trồng cây trái quy hoạch, làm trang trại kết hợp khai khoáng. |