ThienNhien.Net – Sáng 25/8, đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP đã đến khảo sát việc thực hiện quy định pháp luật trong thu gom và xử lý nước thải của các cụm công nghiệp (CCN) tại Trạm xử lý nước thải của CCN vừa và nhỏ xã Nguyên Khê, hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Miza (KCN Đông Anh) và làm việc với UBND huyện Đông Anh.
Nhiều vướng mắc giữa chủ đầu tư – doanh nghiệp xả thải
Theo Liên danh Công ty CP Đông Thành và Công ty CP phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam – chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) hệ thống xử lý nước thải tập trung CCN Nguyên Khê, hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải Nguyên Khê được thiết kế công suất xử lý 1.000m3/ngày đêm, nhằm xử lý nước thải cho CCN Nguyên Khê có diện tích đất sử dụng 96,02ha. Song, để các DN trên CCN đấu nối hệ thống nước thải vào hệ thống xử lý, giữa DN xả thải và chủ đầu tư đang gặp vướng mắc.
Cụ thể, chi phí xử lý nước thải đề xuất 10.500 đồng/m3 – là đơn giá được áp dụng trên một số KCN tại Hà Nội, nhưng hai bên chưa đồng thuận. Chi phí đấu nối từ hệ thống nước thải của DN đến hố ga thoát thải của hệ thống cũng chưa xác định được do bên nào chịu.
Bên cạnh đó, các DN thường sử dụng chung đường thoát nước mưa với nước thải, nên việc đấu nối vào hệ thống nước thải gặp khó khăn khi khối lượng nước xử lý tăng đột biến lúc trời mưa, nên tăng khối lượng nước cũng như chi phí xử lý; các DN lại chưa thể tách được 2 hệ thống nước mưa và nước thải. Ngoài ra, cũng chưa có thống nhất giữa các bên về chi phí và kiểm soát việc lắp đặt thiết bị tính khối lượng xử lý nước thải, chưa có chế tài xử lý DN không nghiêm túc thực hiện.
Vì vậy, chủ đầu tư kiến nghị sớm có giải pháp từ các cấp chính quyền, sở, ngành để tháo gỡ, nhất là cần xây dựng rõ khung giá áp dụng.
Doanh nghiệp kém nhận thức về bảo vệ môi trường
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Mạnh Quân, từ khi thành lập các CCN vừa và nhỏ tại huyện, việc quản lý và xử lý nước thải chưa thực hiện đúng theo yêu cầu. Một nguyên nhân là chủ đầu tư chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xử lý nước thải, nên các nhà máy sản xuất đi vào hoạt động nhiều năm mới ĐTXD hệ thống này. Dù UBND huyện tăng cường chỉ đạo quản lý môi trường và xử lý nước thải đến chủ đầu tư các CCN, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra giám sát việc chấp hành của DN, chỉ đạo xử lý vi phạm, song việc đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại các CCN chưa hiệu quả, kịp thời. Trong khi, cơ chế, chính sách, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh; vốn đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) của DN thì hạn chế, DN chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm BVMT; DN kinh doanh hạ tầng CCN thì khó tiếp cận vốn để đầu tư xây mới, mở rộng các khu xử lý nước thải tập trung.
Điển hình tại CCN Đông Anh rộng 18,532ha, hiện chưa được ĐTXD trạm xử lý nước thải, mà toàn bộ nước thải từ đây được đấu nối với trạm xử lý của CCN Nguyên Khê, trong khi tiến độ đấu nối đang chậm. Với CCN Liên Hà, nhà thầu mới đang tổ chức thi công xây lắp hệ thống xử lý nước thải, dự kiến cuối năm 2017 hoàn thành đưa vào sử dụng.
Trước những tồn tại đang diễn ra, đại diện chủ đầu tư dự án ĐTXD hệ thống xử lý nước thải tập trung CCN Nguyên Khê cho rằng, cần có giải pháp xử lý các DN không đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải bằng chế tài như cắt điện, đóng cửa DN, để đủ sức răn đe DN xả thải trộm, hoặc gian lận về dung lượng nước.
Nhiều ý kiến cũng nhận định, muốn cắt điện DN vi phạm thì cũng chưa có cơ sở pháp lý nào, nên cơ quan chức năng vẫn khó xử lý; và cũng cần có chế tài bắt buộc DN có hệ thống xử lý nội bộ trước khi đấu nối nước thải vào hệ thống chung.
Chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm
Để góp phần khắc phục bất cập hiện nay trong công tác thu gom và xử lý nước thải tại các CCN, theo UBND huyện Đông Anh, các chủ ĐTXD và kinh doanh hạ tầng CCN chỉ nên tiếp nhận các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao, ít gây ô nhiễm, thân thiện môi trường. Đồng thời, cần xây dựng quy trình rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị quản lý, phối hợp các cơ quan khác, các chế tài xử lý vi phạm.
Ghi nhận cố gắng của UBND huyện Đông Anh trong công tác BVMT nói chung và thực hiện quy định pháp luật về thu gom, xử lý nước thải tại các CCN, đoàn giám sát cũng đánh giá: Hạn chế lớn nhất là việc ĐTXD trạm xử lý nước thải chưa hiệu quả (như CCN Vân Hà đã có trạm nhưng chưa được vận hành), một số CCN hoạt động từ nhiều năm trước (CCN Đông Anh, CCN Nguyên Khê từ năm 2006) nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình đấu nối nước thải từ các DN, quá trình tổ chức triển khai quy hoạch chi tiết CCN đã được phê duyệt còn chậm, việc thanh tra kiểm tra chưa được chú trọng, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Trong quản lý CCN cũng để xảy ra vi phạm về quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, một số cơ sở sản xuất biến tướng thành nhà ở, lấn chiếm hành lang… đến nay chưa được xử lý triệt để (như CCN Vân Hà).
Trước thực tế này, thay mặt đoàn giám sát, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đoàn Việt Cường đề nghị UBND huyện Đông Anh sớm rà soát đánh giá thực trạng quản lý CCN Vân Hà đề có giải pháp gỡ vướng, tăng quản lý việc thực hiện quy hoạch chi tiết của cụm, kiên quyết xử lý vi phạm. Phòng TNMT huyện thực hiện nghiêm việc thu phí, phối hợp với UBND xã, thị trấn rà soát đối tượng nộp phí BVMT với nước xả thải đúng quy định. Đặc biệt, đề nghị huyện tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, đi liền với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức BVMT của cá nhân và tổ chức kinh doanh.
Riêng với nhà đầu tư kinh doanh CCN, đoàn đề nghị đẩy nhanh tiến độ đấu nối nước thải từ các DN vào hệ thống thu gom nước thải chung của CCN, sớm có kế hoạch ứng phó xử lý sự cố môi trường cũng như thực hiện quan trắc tự động.