Những người làm nhiệm vụ bảo vệ cho Khu bảo tồn Hòn Cau cùng người dân sống nơi đây vui sướng đến rơi nước mắt khi biết Chính phủ cho dừng dự án nhận chìm bùn, cát xuống vùng biển xinh đẹp, quý giá này.
Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp quay trở lại Khu bảo tồn biển Hòn Cau (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) sau khi Chính phủ quyết định cho dừng nhận chìm xuống gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển nơi đây.
Hòn Cau qua “cơn sóng gió”
8 giờ sáng 19-8, có mặt tại cảng cá Liên Hương, từ đây trải tầm mắt ra xa một chút, Hòn Cau đón chúng tôi bằng vạt nắng như dải lụa vàng phủ lên những khối đá lớn nằm giữa biển trời xanh ngắt. Ai cũng háo hức, mong con tàu lướt sóng thật nhanh để đến với hòn đảo nhỏ.
Rộng 140 ha, nhìn từ trên cao, Hòn Cau giống như một con thiên nga khổng lồ giữa biển trời Tuy Phong.
Những ai lần đầu tiên đến Hòn Cau chắc chắn sẽ kinh ngạc trước vẻ đẹp của hòn đảo này. Hòn Cau trải mình trên dải cát trắng phau. Những cụm đá đủ màu sắc, hình thù chạy dọc từ trên đảo xuống biển. Những rạn san hô rất lớn nằm tầng tầng lớp lớp với những hình hài tuyệt mỹ khiến ai nấy khi lạc vào thế giới ấy đều thấy như bị hớp hồn.
Do là một trong 18 vùng nước trồi của đại dương thế giới nên cá bột, tảo, phù du nhiều vô kể và là nguồn thức ăn dồi dào của cá, tôm, rùa biển. Gần như khi nào ở đây cũng có trên dưới 1.000 con tàu của bà con ngư dân các tỉnh quây quần về đây đánh bắt, bởi hải sản ở đây ngon nức tiếng.
Ông Tư Hữu, lão ngư đã gắn bó gần như cả cuộc đời với Hòn Cau, kể thời điểm nghe dự án nạo vét bùn, cát làm cảng sắp đưa ra đổ xuống vùng biển sát nách Hòn Cau, chiều nào ông cũng ngồi thẫn thờ nhìn ra biển mà lo lắng cho chuyện mưu sinh của con cháu sau này. “Ở đây tôm hùm đỏ, tôm hùm bông sống dưới các rạn san hô nhiều lắm. Mà san hô chết thì tôm, cá cũng phải bỏ đi hoặc chết theo. Hòn Cau khi đó chắc sẽ là hòn đảo chết” – lão ngư Tư Hữu nói.
Mừng cho Hòn Cau đã vượt qua cơn sóng gió, ông Tư Hữu đưa chúng tôi vào lăng ông Nam Hải để thắp hương tạ ơn trời đất. Người đàn ông gắn bó với Hòn Cau như máu thịt thành kính thắp hương rồi khấn: “Chúng con dâng hương hoa, lễ vật xin ông bà Nam Hải mừng cho Hòn Cau qua cơn sóng gió. Xin ông bà chứng giám, phù hộ độ trì cho bà con ngư dân chân cứng đá mềm; xin ông bà linh thiêng ngăn chặn đừng cho ai đổ chất dơ bẩn xuống biển làm hại tới môi trường, tới cá, tôm…”.
“Vui sao nước mắt lại trào”
Lưu Yến Phi, “hoa hậu” của Hòn Cau, cô gái duy nhất trong đội tuần tra Khu bảo tồn biển Hòn Cau, “bà đỡ” của rùa biển, lăng xăng rót nước mời những người trong đoàn.
Yến Phi cho biết đội ít khi đón được đoàn khách đông vui như thế này và vui hơn là từ nay rùa biển sẽ tiếp tục về Hòn Cau sinh nở bởi dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét đã dừng lại.
Cô gái 32 tuổi yêu Hòn Cau, yêu rùa biển đến nỗi sống thường trực trên đảo, giờ vẫn chưa nghĩ gì tới chuyện lập gia đình.
“Hoa hậu” của Hòn Cau tâm sự Hòn Cau vượt qua sóng gió cũng đồng nghĩa với việc rùa sẽ về sinh nở ở đây nhiều hơn. Theo Yến Phi, đặc điểm của rùa biển rất độc đáo dù đi xa hàng trăm dặm nhưng khi sinh nở nó thường tìm về đúng nơi từng sinh ra để đẻ trứng. “Mấy năm qua hàng ngàn con rùa biển đã được sinh ra ở đây và trở về với đại dương. Và sau này chúng sẽ trở về đây nhờ sự định vị đặc biệt và sự thủy chung độc đáo của loài rùa”.
Anh Trần Công Lập, đội trưởng tuần tra Khu bảo tồn biển Hòn Cau, rắn rỏi, săn chắc như một kình ngư, suốt buổi trò chuyện anh luôn nở nụ cười hiền lành, gửi lời cám ơn báo chí, cám ơn những nhà khoa học, cám ơn dư luận đã kiên trì có tiếng nói mạnh mẽ phản biện dự án nhận chìm bùn, cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
“Có lúc tôi đã định làm đơn xin nghỉ việc vì biết chắc khi dự án nhận chìm khởi động, san hô ở Hòn Cau, ở bãi Breda sẽ bị tác động bởi vị trí nhận chìm chỉ cách vành đai bảo vệ 2 km” – anh Lập chia sẻ. Anh nói anh yêu Hòn Cau lắm, yêu từng dấu chân những con rùa biển chọn nơi đây làm bãi đẻ nên nghĩ đến tình cảnh đó, nếu xảy ra, nước mắt anh cứ chảy dài.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi đôi khi phải dừng lại bởi những người dân sinh sống ở đây tìm đến cùng chia sẻ niềm vui này. “Cám ơn biển, cám ơn Chính phủ, cám ơn báo chí đã ôm lấy Hòn Cau, bảo vệ cho hòn đảo nhỏ quê hương tôi” – cô Vân, một người dân sống ở Hòn Cau, nói.
230 loài san hô nguyên thủy bao bọc
Phải mất bảy năm trời ròng rã khảo sát, đánh giá, phân từng loài san hô, từng loài thủy sinh, hồ sơ khoa học về cù lao Câu mới được duyệt để ngày 15-11-2010, hòn đảo nhỏ xinh đẹp này mới chính thức có tên gọi là Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước, chỉ cách đất liền 10 km, Hòn Cau nổi lên giữa biển như một dấu chấm phá đẹp ngất ngây của tạo hóa. Với cả rừng san hô nguyên thủy trên 230 loài bao bọc xung quanh hòn đảo rộng 140 ha nên hệ sinh thái ở đây được xem là đa dạng bậc nhất, rùa biển liên tục chọn nơi đây làm bãi đẻ. |