ThienNhien.Net – Việt Nam không nên dựa vào một nguồn cung năng lượng duy nhất- đó là nhiệt điện than mà cần phải tính đến phát huy tối đa nguồn năng lượng tái tạo đang có. Song giới chuyên gia nước ngoài vẫn còn hồ nghi về tính khả thi của việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có dự án điện mặt trời.
Sau 5 năm thực hiện, Quy hoạch điện VII (QHĐ VII) đã tỏ ra không còn thích hợp trước những diễn biến của tình hình thực tế của đất nước và thế giới. Chính vì thế, tháng 3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 428/QĐ-TTg điều chỉnh QHĐ VII 7 (hay còn gọi là QHĐ VII 7 điều chỉnh).
Theo bản quy hoạch này, từ nay đến năm 2020, công suất nhiệt điện than tăng từ 33,4% lên 42,7% tổng công suất nguồn. So với công suất nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII, công suất nhiệt điện than trong QHĐ VII điều chỉnh đã giảm 5,3%, và đến năm 2030 giảm 9% song nhiệt điện than vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Nhận xét về điều này, ngày 22/8 trong hội thảo “Hiểu đúng về năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam”, ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham nói: “Nếu dựa vào chiến lược than, Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương khi giá, nguồn than chưa được tính hết vào chi phí xây dựng nhà máy”.
Theo vị này, phần lớn các nước trên thế giới đã chuyển khỏi việc phụ thuộc vào nhiệt điện than, thậm chí có những tổ chức còn không hỗ trợ cho những dự án đầu tư vào than. Ví dụ như các ngân hàng châu Âu chỉ đầu tư vào những dự án năng lượng sạch.
Tư tưởng này được ông Tomaso khuyến cáo cần phải thay đổi bởi nhiệt điện than vẫn gây ra ô nhiễm môi trường đáng kể.
Nhiều chuyên gia khác cũng đưa ra khuyến cáo, Việt Nam không nên dựa vào một nguồn cung năng lương duy nhất- đó là nhiệt điện than mà cần phải tính đến phát huy tối đa nguồn năng lượng tái tạo đang có.
Ông Nguyễn Minh Duệ, chuyên gia kinh tế năng lượng cho biết, để đảm bảo an ninh năng lượng có ý kiến cho rằng Việt Nam chỉ phát triển nhiệt điện than. Tuy nhiên, phát triển nhiệt điện than không đảm bảo được 2 tiêu chí về an ninh năng lượng là hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, năng lượng tái tạo có thể đảm bảo được cả 2 tiêu chí trên.
“Tiến bộ khoa học công nghệ ngày càng tăng lên, giá thành điện mặt trời, điện gió ngày càng giảm, chính vì thế phát triển điện năng lượng tái tạo đảm bảo an ninh năng lượng và môi trường”, ông Duệ khẳng định.
Trên thực tế, Việt Nam hiện đã có những chính sách để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, sinh khối.
Ông Tomaso đánh giá, năng lượng tái tạo đã có bược chân vững chãi hơn ở Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đến, trong đó có năng lượng mặt trời rất phong phú. Tuy nhiên, giới chuyên gia nước ngoài vẫn còn hồ nghi về tính khả thi của việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo.
Đơn cử như lĩnh vực năng lượng mặt trời, hiện đã có nhiều dự án xây dựng và nhận được giấy phép nhưng “chúng tôi hồ nghi liệu những nhà máy này có được xây dựng không. Bởi lẽ, hợp đồng mua bán điện với định dạng như hiện nay không dễ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không dễ đồng ý cho vay tiền”, ông Tomaso đặt câu hỏi.
Chưa kể, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai đó là Chính phủ Việt Nam chưa công bố khung giá điện cho tương lai. “Nếu không có những điều kiện như vậy thì sẽ khó khăn để biết được liệu các dự án có lợi nhuận hay không, có chịu lỗ hay không, có đủ tiền trả lại nguồn lãi vay không?”, vị chuyên gia này tiếp tục đặt câu hỏi và nói thêm: “Nhiều doanh nghiệp đã xin được đất, đầu tư nhưng thực tế những nhà máy này có thể không được xây nếu không có thay đổi về hợp đồng mua bán điện và cơ chế rõ ràng minh bạch hơn về giá điện”.