Bình Phước: Xin dự án trồng rừng, để cá nhân trục lợi

ThienNhien.Net – Với trên 545ha đất rừng được nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng kinh tế (QLRKT) Suối Nhung (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) quản lý, sử dụng; ông Trần Tấn Minh – GĐ Ban QLRKT Suối Nhung – đã mang ra liên doanh với Cty Sasco (TPHCM). Song thực tế, hàng trăm hécta đất rừng của nhà nước đã bị ông Minh giao cho các cá nhân trục lợi…

Ông Trần Đức Lý – một trong các nạn nhân với hơn 40ha caosu “sa lầy”, đến nay chưa bồi thường xong. Ảnh: P.V

“Phù phép” dự án công thành… “dự án của ông”

Ngày 1.12.2006, Cty dịch vụ Sasco ký hợp đồng giao khoán số 01/HĐGK-BQL với Ban QLRKT Suối Nhung, thực hiện dự án “quản lý bảo vệ rừng kết hợp trồng rừng, chăn nuôi gia súc”, trên diện tích 545ha, tại tiểu khu 363, thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước (đất rừng 481,5ha, đất không rừng 63,5ha).

Điều kỳ lạ, hợp đồng giao khoán vừa ký kết, Ban QLRKT Suối Nhung đã ra tờ trình xin UBND tỉnh Bình Phước (BP) “chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng lại rừng kinh tế”(?). Thời điểm đó (2007), Hạt Kiểm lâm Đồng Phú đã phản đối và đề nghị “giữ lại rừng”. Song, UBND tỉnh BP vẫn chấp thuận cho Ban QLRKT Suối Nhung liên doanh với Sasco chuyển đổi 105ha đất rừng sang trồng caosu…

Năm 2008, UBND tỉnh BP điều chỉnh 200ha/545ha sang cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh BP. Dự án Sasco còn 345ha. Năm 2009, Ban QLRKT Suối Nhung và Sasco tiếp tục xin tỉnh BP cho chuyển đổi tiếp 152ha đất rừng sang trồng caosu.

Và, UBND tỉnh BP đã chấp thuận cho phép chuyển 143,2ha đất rừng sang trồng caosu. Điều bất thường, trong ngày ký hợp đồng liên doanh với Ban QLRKT Suối Nhung (hợp đồng số 153, ngày 2.4.2009 – trồng 105ha caosu – và hợp đồng số 044, ngày 15.1.2010 – trồng 143,2ha caosu), Sasco đã ký tiếp hợp đồng liên doanh “ngược” lại với cá nhân ông Trần Tấn Minh – GĐ Ban QLRKT Suối Nhung, chuyển toàn bộ hai hợp đồng đầu tư dự án trên cho ông Minh trực tiếp đầu tư để hưởng lợi theo thỏa thuận.

Theo đó, với dự án 105ha, sau khi ông Minh trồng caosu, Sasco được chia 60% diện tích vườn caosu và ông Minh được chia 40% diện tích. Đối với dự án 143,2ha, thì Sasco hưởng 51,9% và ông Minh hưởng 48,1%.

Sau đó, ông Minh mang toàn bộ diện tích đất rừng trên, ký hàng loạt “hợp đồng bàn giao đất” cho nhiều cá nhân khác, với diện tích bình quân từ 5ha-40ha/cá nhân. Theo đó, ông Minh không trực tiếp bỏ vốn trồng caosu, mà các cá nhân ký hợp đồng với ông Minh phải đứng ra bỏ vốn trồng caosu. Để nhận được đất từ ông Minh, các cá nhân còn phải trả tiền cho ông Minh từ 40-80 triệu đồng/ha v.v…

Không trồng cao su, vẫn ngửa tay nhận… tiền tỉ (?!)

Một trong những nạn nhân của Trần Tấn Minh trong vụ việc trên là ông Trần Đức Lý (thường trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú). Năm 2010, ông Lý ký hợp đồng “liên doanh trồng cây caosu dài ngày” với ông Minh.

Ông Lý phải nộp cho ông Minh nhiều đợt, với tổng số tiền 970 triệu đồng, để được trồng caosu trên 46,8ha đất rừng. Theo hợp đồng, sau 5 năm tự bỏ vốn ra trồng caosu, ông Lý được hưởng 50% diện tích vườn caosu. Tuy nhiên, mới sang năm thứ hai, ông Minh “lật kèo”, thông báo Cty Sasco “thanh lý hợp đồng liên doanh” với ông Minh, nên ông Minh yêu cầu ông Lý trả lại đất… Sasco sẽ bồi thường tiền trồng caosu cho ông Lý…

Lẽ ra Sasco và ông Minh đứng ra thực hiện thủ tục bồi thường cho ông Lý… Đằng này, Sasco lại ủy quyền cho Cty Phát Lộc, thay Sasco đàm phán với ông Lý và các hộ dân, về việc bồi thường tiền đầu tư trồng caosu trên đất dự án của Sasco.

Ngày 25.3.2015, Sasco có văn bản gửi UBND tỉnh BP. Từ đây, ông Lý phát hiện một sự thật: Thay vì ông Lý phải có tên trong danh sách được Sasco bồi thường, thì trái lại, không có tên ông Lý(?). Thay vào đó, ông Lý phát hiện có hai người… lạ hoắc, là Nguyễn Khánh Tùng và Nguyễn Thành Trung (đều là nhân viên Cty Phát Lộc), không trực tiếp trồng caosu, nhưng lại có tên trong danh sách được nhận tiền đền bù từ Sasco(?!).

Vì sao không xử lý hình sự?

Ngày 11.5.2012, Phòng An ninh Điều tra (CA tỉnh BP) đã ra văn bản số 76/BC-PA81, kết luận: “Sasco đã không đầu tư mà chuyển dự án cho Trần Tấn Minh trực tiếp đầu tư nhằm hưởng lợi theo tỉ lệ ăn chia… Việc không đầu tư, chuyển nhượng dự án của Cty Sasco là trái với quyết định của UBND tỉnh và vi phạm hợp đồng liên doanh đã ký với Ban QLRKT Suối Nhung.

Trần Tấn Minh với tư cách là GĐ Ban QLRKT Suối Nhung ký hợp đồng liên doanh với Sasco, đồng thời ký lại hợp đồng liên doanh cho cá nhân mình trực tiếp đầu tư và giao đất dự án cho các cá nhân khác đầu tư là hành vi vi phạm luật pháp, nhằm động cơ trục lợi (vi phạm trách nhiệm của chủ rừng…, có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhằm mục đích trục lợi, việc giao đất trồng caosu cụ thể cho các cá nhân đầu tư để thu tiền có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản…)”.

Từ đó, CA tỉnh BP kiến nghị: “Báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiến nghị thu hồi dự án. Điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Minh – GĐ Ban QLRKT Suối Nhung, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Làm rõ sai phạm của các cá nhân để xử lý”. Dấu hiệu vi phạm luật pháp của tổ chức, cá nhân trong dự án Sasco đã rõ. Tuy nhiên, suốt 5 năm qua, vụ việc vẫn chưa được xử lý hình sự.