ThienNhien.Net – Ngày 21/8, lần đầu tiên sau 99 năm, người dân Mỹ sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần xuyên lục địa.
Toàn bộ hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 1 giờ 30 phút khi bóng Mặt Trăng di chuyển từ Tây sang Đông trên một dải đất dài 4.200km, rộng từ 96-113km chạy qua 14 bang của nước Mỹ.
Bang Oregon sẽ là nơi đầu tiên chứng kiến hiện tượng nhật thực toàn phần, bắt đầu vào lúc 9 giờ 5 phút ngày 21/8 (tức 23 giờ 5 phút cùng ngày theo giờ Việt Nam) và diễn ra trong vòng 75 phút sau đó.
Trong khi đó, bang South Carolina sẽ là nơi cuối cùng quan sát được hiện tượng này.
Theo Hiệp hội Thiên văn học Mỹ, khoảng 12 triệu người dân Mỹ sinh sống ở 14 bang trên có thể nhìn thấy nhật thực toàn phần.
Khu vực Bắc Mỹ có thể quan sát nhật thực, trong khi khu vực Trung Mỹ và đỉnh Nam Mỹ chỉ có thể chứng kiến Mặt Trăng che khuất một phần Mặt Trời.
Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi vào giữa Mặt Trời và Trái Ðất, phủ bóng tối trên mặt Trái Ðất. Ðường kính Mặt Trăng nhỏ hơn Mặt Trời khoảng 400 lần, nhưng ở gần Trái Ðất hơn 400 lần nên đủ để có thể che khuất Mặt Trời.
Nơi nào lọt vào trong bóng tối, hay ảnh của Mặt Trăng trên mặt đất, sẽ thấy hiện tượng nhật thực toàn phần, nghĩa là có một lúc Mặt Trời hoàn toàn biến mất chỉ còn lại những vệt sáng như tia lửa xung quanh Mặt Trăng tối đen.
Vùng vệt sáng ấy, được gọi là vầng nhật quang, là khí quyển của Mặt Trời và chỉ có thể nhìn thấy trong trường hợp này, bình thường nó bị lẫn vào ánh sáng chói lòa của Mặt Trời.
Các nhà khoa học cảnh báo nhìn thẳng vào Mặt Trời bằng mắt trần rất nguy hiểm do bức xạ Mặt Trời có thể gây thương tổn trầm trọng cho mắt.
Các nhà khoa học khuyến cáo người dân dùng kính bảo hộ an toàn được bán trên thị trường trong mùa nhật thực này.
Theo tính toán, hiện tượng nhật thực toàn phần xuyên lục địa tại Mỹ tới đến năm 2045 mới diễn ra. Lần gần đây nhất hiện tượng nhật thực toàn phần diễn ra tại Mỹ là năm 1918.