ThienNhien.Net – Anh Phan Hồng Phúc mong có chính sách hỗ trợ để mô hình nuôi cá chình góp phần làm giàu cho nông dân và hy vọng các nhà khoa học nghiên cứu sản xuất con giống nhân tạo
Mô hình nuôi cá chình của anh Phan Hồng Phúc ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang hiện rất hiệu quả và nổi tiếng khắp Tây Nam Bộ. Con cá chình đã mang lại cho anh thu nhập mỗi năm trên 2,5 tỉ đồng.
Muốn mở rộng diện tích
Tiếp chúng tôi, anh Phúc cho biết đang có 2,8 ha mặt nước nuôi cá chình và cá bống tượng để cung cấp giống. Thu nhập từ bán cá giống bình quân 2 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, anh còn thu nhập từ cá thương phẩm gần 700 triệu đồng/năm. Dù vậy, anh vẫn khao khát mở rộng diện tích mặt nước để phát triển mô hình này.
Ông Trần Tấn Phong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thuận, cũng là nông dân sản xuất giỏi của xã này – chia sẻ: “May mắn được ở gần mô hình nuôi cá chình của anh Phúc, tôi và nhiều nông dân khác được anh tận tình hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, bán chịu con giống và bao tiêu cá thương phẩm nên từ năm 2010 đến nay, tôi phát triển được 0,5 ha mặt nước để nuôi cá chình, cho lợi nhuận vào khoảng 700 triệu đồng/năm”.
Ông Phan Công Tố là y sĩ ở xã cũng có 2.000 m2 mặt nước nuôi cá chình cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm. Ông Tố hồ hởi: “Ông Phúc mua đi bán lại con cá chình thương phẩm chủ yếu là để giúp đỡ anh em, đồng lời chỉ đủ chi phí xăng xe, cơm gạo. Tôi có đi tìm hiểu giá cả trên thị trường nên biết. Thấy ông Phúc làm có hiệu quả nên tôi mạnh dạn làm theo gần được 3 năm, giá cá chình rất ổn định, dao động từ 350.000 – 400.000 đồng/kg”.
Cũng theo ông Phong và ông Tố, anh Phúc là người rất nhiệt tình, hướng dẫn tận tình những người muốn làm ăn theo mô hình của anh. Những kinh nghiệm của người tiên phong giúp ích rất nhiều trong việc chăm sóc con cá chình. Anh Phúc còn đến tận ao để khảo sát hay mua thuốc giúp họ khi đàn cá bị bệnh.
Anh Phúc chia sẻ: “Tôi được như hôm nay một phần cũng nhờ hội nông dân. Từ việc cho vay vốn, động viên cho đến hỗ trợ những thứ cần thiết ban đầu để lập nghiệp, chí thú làm ăn”.
Con đường gây dựng cơ nghiệp đâu có dễ dàng gì, vạn sự khởi đầu nan. Anh Phúc kể phải ra Bắc vào Nam, sang Đông về Tây để tìm kiếm mô hình thích hợp với địa phương mình. Từ nuôi lươn, nhím, rắn hổ rồi cá bống tượng… mới đến cá chình. Từ chỗ nuôi mười phần chết bảy đến chỗ thành công mỹ mãn như hôm nay.
Anh cho biết khó khăn nhất là việc thu mua con giống. Anh phải ra tận miền Trung mua lại giống từ ngư dân địa phương. Tuy nhiên, chất lượng con giống rất bấp bênh, những lô giống được đánh bắt bằng cách câu hay xung điện đem về được đôi ba ngày là chết. Về sau, khi phân biệt được, anh chỉ đặt hàng của những ngư dân đặt lú, lợp để bảo đảm chất lượng và giảm hao hụt. Những người mới vào nghề cũng gặp trường hợp tương tự.
Giúp người khác thoát nghèo
“Anh Phúc liên tiếp đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, từng được đề cử để trở thành nông dân giỏi cả nước. Anh đang giúp đỡ, dẫn dắt 5 nông dân ở xã làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao, vươn lên thoát nghèo. Mô hình nuôi cá chình của anh Phúc được nhiều người dân trong xã học tập. Hiện anh cung cấp cả đầu vào và đầu ra cho những hộ nuôi cá chình ở đây” – ông Đặng Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thuận, cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, anh Phúc cần cù, siêng năng, chịu khó, có ý chí vươn lên thông qua việc biết tìm kiếm mô hình để làm ăn. Ông Hoàng còn nhớ cảnh cha con anh Phúc cứ sáng ra là xách len, thuổng đi đào bới, tìm bắt giun đất làm thức ăn cho cá. Tiếp xúc lâu với anh Phúc, có thể thấy bản chất lương thiện, cần cù, chịu khó của một nông dân.
Có lẽ do tính quyết đoán và quyết tâm đã mang đến thành công cho anh Phúc trong mô hình nuôi cá chình. Lúc mới đem con cá xa lạ này về nuôi, anh gặp không ít lời chê bai, cười cợt của một số người. Ngay cả vợ con cũng e dè vì cái lẽ ngoài chợ không thấy ai bán, mình nuôi nhiều rồi bán đi đâu? Hơn nữa, cũng chưa ai sản xuất được con giống nhân tạo. Dù vậy, với kinh nghiệm bôn ba, đi nhiều và thấy nhiều, anh Phúc biết giá trị của cá chình rất cao bởi thịt ngon, được các nhà hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Anh quyết chí xây dựng một hệ thống để tiến tới làm ăn lớn.
Anh Phúc kể một chuyện vui trong giai đoạn mới đem cá chình về nuôi. Ấy là khi một số con bị sổng, người dân địa phương bắt được rất sợ và không dám ăn. Họ phải khấn vái rồi đem thả xuống sông bởi loài này rất ít ở đây, những người biết cá chình cũng không nhiều.
Từ thu mua giống tự nhiên khắp cả nước đến phân phối giống đi các tỉnh xa, rồi gom góp và đưa cá chình thương phẩm đến với thị trường, mở rộng thị trường tiềm năng…, anh Phúc dần phát triển lên và lập cơ sở bán cá giống, thu mua cá thành phẩm Thiên Lộc. Cực khổ lúc đầu cũng nhiều nhưng bù lại là bây giờ anh chỉ ngồi nhà giao dịch qua điện thoại bởi tất cả hệ thống đã đi vào hoạt động, tự vận hành.
Anh Phúc nói trăn trở nhất của anh là mong nhà nước có chính sách hỗ trợ để mô hình nuôi cá chình có thể góp phần làm giàu cho nông dân. Anh cũng hy vọng các nhà khoa học có thể nghiên cứu sản xuất con giống cá chình và bàn giao kỹ thuật cho người dân. Lúc đó mô hình chắc sẽ thành công hơn.
Khi được hỏi về gia đình, anh Phúc cho biết có 2 con trai. Đứa lớn đang ở nhà làm kinh tế với vợ chồng anh, đứa nhỏ đã tốt nghiệp đại học và cũng có việc làm ổn định.
Thị trường tiềm năng rất lớn
Anh Phan Hồng Phúc tâm sự: “Hiện tại, thị trường tiềm năng của con cá chình rất lớn, có những đối tác ở nước ngoài muốn tìm tôi ký hợp đồng cung cấp số lượng lớn cho họ nhưng gom đi góp lại của tất cả anh em ở đây vẫn không đủ sản lượng nên thôi”. Anh Phúc cũng có ý mở rộng vùng nuôi bởi con cá chình rất dễ chăm sóc nhưng có một nhược điểm của mô hình này là vốn đầu tư ban đầu rất cao. Chỉ có gần 3 ha của anh mà chi phí đã lên đến hơn 1,5 tỉ đồng. Với thu nhập của đa số nông dân hiện nay thì không đủ vốn đầu tư nên sẽ khó mở rộng. |