ThienNhien.Net – Vương quốc Bhutan tập trung làm thủy điện nên kinh tế tăng trưởng khá, nhưng việc nợ tiền Ấn Độ tài trợ tăng cao khiến thế hệ tương lai Bhutan có thể phải oằn vai trả nợ, theo sự lo ngại của phe đối lập và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Theo trang Nikkei Asian Review ngày 17.8, đầu tư mạnh vào thủy điện nên Vương quốc Bhutan hẻo lánh trên dãy núi Hymalaya đang có đà tăng trưởng kinh tế vươn tầm cao.
Năm 2017, dự kiến Bhutan sẽ có chỉ số tăng trưởng cao nhất châu Á, do sức tăng trưởng chậm của Trung Quốc và Ấn Độ. Hồi tháng 4, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP của Bhutan là 8,2% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6, và lên đến 9,9% trong năm tài khóa kết thúc năm 2018.
Cùng lúc, IMF ước tính tăng trưởng của Bhutan năm 2017 là 11,2%.
Đừng để thế hệ con cháu oằn vai trả nợ
Tuy nhiên, việc vay tiền để chạy đua xây nhà máy thủy điện đang khiến Bhutan trở thành nước đi vay nợ lớn thứ nhì châu Á (tính theo dân số), sau Nhật Bản và trên Mông Cổ, Maldives, Sri Lanka, Lào, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Kyrgyzstan.
Từ những năm 1980, xuất khẩu thủy điện là cỗ máy cái của nền kinh tế Bhutan. Ngày nay, thủy điện đóng góp hơn 25% nguồn thu quốc gia và 14% cho GDP.
Tuy nhiên, báo cáo Viễn đồ kinh tế thế giới của IMF nêu sự phát triển thủy điện quá nhanh của Bhutan dẫn đến nguy cơ nợ nước ngoài cao. Báo cáo IMF dự báo tổng nợ nước ngoài của GDP vào cuối năm 2017 sẽ đạt 112,8% GDP.
Số liệu chính thức gần đây nhất của Cục thống kê quốc gia Bhutan cho biết năm 2015, vương quốc này có giá trị GDP 132 tỉ ngultrum (tiền Bhutan, tương đương 2,06 tỉ USD).
Ngoài ra, một báo cáo chính phủ công bố tháng 5.2017 ước tính tổng nợ nước ngoài của Bhutan vào cuối năm 2017 sẽ là 178,5 tỉ ngultrum.
Sự nặng nợ khiến đảng đối lập ở Bhutan và IMF lo ngại, trước khi Bhutan tổ chức tổng tuyển cử năm 2018.
Đảng đối lập Druk Nyamrup Tshogpa (DNT) cảnh báo Bhutan có nguy cơ trở thành Hy Lạp của Nam Á, ý nói Hy Lạp đang nợ nghiêm trọng, buộc IMF và EU phải ra tay bảo lãnh.
Ông Tandi Dorji, thủ lĩnh DNT, nói: “Mức nợ hiện đáng lo, chính phủ cần có biện pháp bảo đảm thế hệ tương lai không phải oằn vai trả nợ”.
Một mối lo ngại khác về lĩnh vực thủy điện của Bhutan là nhiều bang Ấn sẽ sản xuất lượng điện thừa, dẫn đến giá bán điện thấp.
Điều này có thể đẩy Bhutan vào thế yếu khi tính giá xuất khẩu điện qua Ấn Độ, nhất là khi các dự án bị chậm trễ dài hạn.
Nhưng Thủ tướng Tshering Tobgay của đảng cầm quyền Dân chủ nhân dân cho biết: Trong thỏa thuận với New Delhi, Ấn Độ đồng ý mua tất cả sản lượng điện thừa, đi kèm phương pháp định giá cộng thêm vào chi phí (cộng thêm một số tiền, hoặc một tỷ lệ phần trăm vào chi phí sản xuất – phân phối) và Bhutan hưởng mức lãi 15%. Ông nói thỏa thuận này giúp giảm đáng kể nguy cơ Bhutan nợ lớn.
DNT cũng nêu việc chú trọng đầu tư mạnh vào thủy điện khiến làm tăng sự bất bình đẳng, vì chỉ một số ít người dân hưởng lợi từ việc xây dựng – việc làm các công trình thủy điện, trong khi phải đầu tư quá lớn.
Tuy nhiên, hồi tháng 7, Ngân hàng thế giới (WB) ra báo cáo, ủng hộ quan điểm của chính phủ Bhutan: Nợ không đáng lo, khoản đầu tư vào thủy điện có thể góp phần phát triển Bhutan.
Tiến độ xây dựng thủy điện chậm trễ làm đội chi phí lên cao
Chính phủ Ấn Độ đang tài trợ cho 4/5 dự án thủy điện lớn đang xây của Bhutan, trong khi dự án thứ năm do ADB tài trợ và vay tiền của các ngân hàng Ấn Độ.
Khi các dự án này hoàn thành, chúng sẽ giúp tăng gấp đôi sản lượng điện của Bhutan, từ 1.600 megawatt lên hơn 5.200 megawatt trong 10 năm tới. Hơn 80% nguồn điện này sẽ xuất khẩu qua Ấn Độ.
Trong 4 năm qua, Bhutan vay 69 tỉ ngultrum từ chính phủ Ấn Độ để chi cho các dự án thủy điện.
Bhutan cũng được ADB cam kết giúp 120,5 triệu USD, và hai ngân hàng State Bank -Exim Bank ở Ấn giúp 3 tỉ rupee (46,7 triệu USD) cho dự án thủy điện thứ 5 mang tên Nikachu có sản lượng điện 118 megawatt.
Bên cạnh đó là kế hoạch 3 dự án thủy điện liên doanh giữa hai chính phủ Bhutan – Ấn Độ.
Mức tăng trưởng kinh tế của Bhutan năm 2018 được dự báo sẽ đạt nguồn thu 7,5 tỉ ngultrum nhờ xuất khẩu điện qua Ấn Độ, sau khi bàn giao dự án thủy điện Mangdechhu. Công trình này tốn khoảng 46 tỉ ngultrum, gồm 70% tiền vay và 30% từ một thỏa thuận với Ấn Độ.
3 dự án thủy điện khác đang xây và do chính phủ Ấn Độ tài trợ là nhà máy Punatshangchhu I có công suất 1.200 megawatt, nhà máy Punatshangchhu II có công suất 1.020 megawatt. Và nhà máy Kholongchhu có công suất 600 megawatt, một dự án liên doanh giữa Bhutan với Ấn Độ.
Các công ty Ấn Độ đang dẫn đầu trong việc xây các công trình trên, vì Bhutan đang dần nâng khả năng thực hiện các công trình lớn.
Nhưng sự chậm tiến độ xây dựng các dự án thủy điện đang đẩy chi phí tăng cao. Công trình Punatshangchhu I, bắt đầu từ năm 2008, đã bị tăng chi phí đáng kể, và thời hạn hoàn tất đã phải dời từ năm 2017 qua tháng 12.2022.
Punatshangchhu I được ước tính tốn 34 tỉ ngultrum, nhưng nay bị dự báo khi hoàn tất công trình, chi phí sẽ là 100 tỉ ngultrum. Dự án này bị chậm tiến độ vì nhiều vấn nạn địa lý, gồm một bên bờ đập bị trượt lở nhiều mét.
Nhà máy Punatshangchhu II sau hai năm chậm trễ cũng bị kéo dài thời gian hoàn tất qua năm 2019.
Những lần chậm tiến độ buộc ADB phải hạ dự báo GDP của Bhutan xuống 8% vào tháng 7, dù đấy vẫn là tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á.
Chính phủ Bhutan cũng phải thay đổi dự báo nguồn thu – chi trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 vốn sẽ bắt đầu từ tháng 7.2018.