ThienNhien.Net – Từ vài thập kỷ trước, nhiều nhà khoa học đã kêu gọi cần tăng cường sử dụng bằng chứng khoa học trong việc đưa ra các quyết định về bảo tồn. Mặc dù các bằng chứng khoa học đã được xem xét nhưng trực giác, kinh nghiệm vẫn phổ biến trong thực tiễn bảo tồn. Mới đây, hai nhà khoa học William J. Sutherland và Claire Wordley, Đại học Cambridge đã phân tích về vấn đề này trong một báo cáo khoa học đăng trên Tạp chí Nature Ecology & Evolution.
Trong nghiên cứu của mình, hai tác giả đã đưa ra thuật ngữ “tự mãn bằng chứng” (evidence complacency) để làm nổi bật sự tồn tại của một văn hoá, trong đó “mặc dù có sẵn nhưng các bằng chứng vẫn không được tìm hiểu hoặc sử dụng để đưa ra quyết định bảo tồn và tác động của các hoạt động bảo tồn cũng không được đánh giá.”
Theo các nhà khoa học, sự tự mãn này không chỉ làm lãng phí tiền bạc, thời gian và cơ hội mà còn cho thấy hoạt động bảo tồn đó là một sự đầu tư không hợp lý. Điều này rất đáng lo ngại vì những nỗ lực bảo tồn thường do người đóng thuế, doanh nghiệp hoặc tổ chức từ thiện chi trả và việc giải trình cho các khoản đầu tư là vô cùng quan trọng.
Tiến sĩ Wordley cho hay: “Chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ các báo cáo của các nhà nghiên cứu và cả nhà bảo tồn xuất bản trên các tạp chí khoa học bảo tồn trong vài thập kỷ qua, tuy nhiên điều này lại không có tác động tương xứng tới thực tiễn bảo tồn.”
Lấy ví dụ như ở Anh, một số cây cầu an toàn (gantry) đã được xây dựng để giúp các con dơi di chuyển qua đường. Việc xây dựng các gantry này rất đắt đỏ, với tổng chi phí khoảng 1 triệu bảng Anh (1,3 triệu USD). Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của dơi cho thấy những lối đi an toàn này không phát huy được hiệu quả. Mặc dù vậy, bất chấp bằng chứng này, các gantry vẫn tiếp tục được xây dựng.
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng “tự mãn bằng chứng” có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm cả việc những người đang làm công tác bảo tồn không có đủ kiến thức về các bằng chứng hiện có, không được đào tạo đầy đủ để sử dụng bằng chứng và việc thiếu bằng chứng liên quan trực tiếp đến bối cảnh cần đưa ra quyết định bảo tồn, hoặc đơn giản chỉ là việc kiểm chứng mất quá nhiều công sức.
Bà Wordley cho rằng để sử dụng bằng chứng cũng có thể có khó khăn, bởi vì rất nhiều báo cáo khoa học cần phải trả tiền người đọc mới có thể tiếp cận. Hơn nữa, ngôn ngữ trong các nghiên cứu khoa học thường mang tính kỹ thuật, không phải ai cũng có thể hiểu hết.
Giáo sư Sutherland đã thành lập Dự án Nghiên cứu Bảo tồn với mục đích giúp các nhà bảo tồn giải quyết những thách thức này bằng việc cung cấp một kho lưu trữ các bằng chứng dễ dàng tiếp cận và được tóm tắt bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Bên cạnh đó, để các bằng chứng khoa học được sử dụng nhiều hơn, Dự án cũng đang lên kết hoạch phối hợp với các tổ chức phi chính phủ làm về bảo tồn xuất bản các tài liệu hướng dẫn trong đó kết hợp cả các bằng chứng khoa học và các kinh nghiệm thiết thực từ các hoạt động bảo tồn cụ thể.
Hồng Anh (Theo Mongabay)