ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Trường ĐH Edinburgh (Anh) vừa xác định thêm 91 ngọn núi lửa nằm bên dưới lớp băng dày ở phía Tây Nam Cực, trong đó nhiều ngọn cao đến 3.800 m. Theo họ, đây có thể là khu vực dày đặc núi lửa nhất trên thế giới – cạnh tranh với vùng Đông Phi, nơi có núi lửa Kilimanjaro.
Cộng với 47 núi lửa đã được xác định trước đó, tổng cộng có tới 138 núi lửa tại khu vực được gọi là hệ thống rạn nứt Tây Nam Cực này.
Cần nghiên cứu thêm mới biết rõ số núi lửa trên còn hoạt động hay không. Các tác giả nghiên cứu cho rằng hiện tượng tan băng ở Nam Cực hiện nay không liên quan đến hoạt động núi lửa song về lâu dài, việc mất đi lớp băng phủ bên trên có thể tạo điều kiện cho núi lửa phun trào.
“Nếu một trong những núi lửa này phun trào, các lớp băng ở phía Tây Nam Cực sẽ càng bất ổn” – đồng tác giả nghiên cứu Robert Bingham, một chuyên gia về sông băng, nói với báo Guardian (Anh). Băng tan sẽ làm tăng mực nước biển.
Trong tuần này, các nhà khoa học ở Trường ĐH Florida phát hiện mực nước dọc bờ biển phía Đông Nam nước Mỹ tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ dài hạn của toàn cầu.
Hệ quả kéo theo của nước biển dâng cao là làn sóng tị nạn khí hậu. Theo Viện Nghiên cứu Worldwatch, ước tính ít nhất 26 triệu người trên toàn thế giới đã phải di cư vì môi trường sống biến đổi và con số này có thể lên tới 150 triệu người vào năm 2050.
Một nhóm nhà khoa học quốc tế hồi tháng trước cho biết tình trạng nước biển dâng cao đã tăng tốc nhanh chóng kể từ những năm 1990 trong bối cảnh nhiệt độ trái đất tăng lên cùng với băng tan ở Greenland. Nghiên cứu này ước tính mỗi độ C tăng lên trên toàn cầu sẽ gây thiệt hại khoảng 1,2% cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Trong một đánh giá gần đây của Ngân hàng Lloyds (Anh), lũ lụt nằm trong tốp 5 rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và có thể gây tổn thất đến 430 tỉ USD.
Tại Mỹ, theo đài CNBC, 98% diện tích đảo nhỏ Isle de Jean Charles thuộc bang Louisiana bị nước biển “nuốt chửng” kể từ năm 1955. Louisiana có kế hoạch dùng 48 triệu USD trong tổng số 92 triệu USD trợ cấp liên bang để tái định cư cho 99 cư dân trên đảo.
Tuy nhiên, nhiều bang khác chưa được nhận trợ cấp liên bang, trong khi nhiều nhà hoạch định chính sách tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung còn tranh cãi về việc phải làm gì, phải chi trả ra sao để ứng phó biến đổi khí hậu.