ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới đây công bố trên Tạp chí Nature Climate Change cho hay kể cả khi con người dừng phát thải khí nhà kính ngay lúc này thì nhiệt độ Trái Đất vẫn tiếp tục tăng 2 độ F (tương đương 1,1 độ C) vào cuối thể kỷ này. Trường hợp duy trì mức phát thải hiện nay thì trong 15 năm tới nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng gần 3 độ F (khoảng 1,5 độ C) và khả năng Trái Đất duy trì được mức tăng dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2010 chỉ là 13%.
Nghiên cứu do hai nhà khoa học Thorsten Mauritsen, công tác tại Viện nghiên cứu Khí tượng Max Planck (Đức) và Robert Pincus làm việc tại Viện nghiên cứu CIRES (Đại học Colorado Boulder) và Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) thực hiện.
Ông Robert Pincus cho rằng: “Nhận thức được quá trình nóng lên tất yếu này là rất quan trọng vì qua đó các nhà khoa học cũng như các nhà hoạch định chính sách sẽ biết được thời gian còn lại trước khi Trái Đất nóng đến ngưỡng nhất định dựa theo mức độ phát thải hiện tại. Dường như mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 1,5 độ C đang trở lên xa vời”.
Điểm đặc biệt của nghiên cứu là các nhà khoa học không dựa vào những mô hình mẫu trên máy tính mà trực tiếp quan sát hệ thống khí hậu toàn cầu để đưa ra các tính toán. Các kết luận được đưa ra dựa trên việc tính toán khả năng hấp thụ carbon của đại dương, phân tích dữ liệu về sự mất cân bằng năng lượng của hành tinh, phân tích các tác động liên quan đến khí hậu của những hạt bụi mịn trong khí quyển và các yếu tố khác.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng: Kể cả khi con người dừng tất cả các hoạt động phát thải thì Trái Đất vẫn có thể tăng 2,3 độ F (tương đương 1,3 độ C) vào năm 2100. Các đại dương có thể giúp giảm mức tăng này một chút, khoảng 0,4 độ F nhờ khả năng thu giữ carbon tự nhiên. Nghiên cứu cũng cho hay sẽ rất khó, chỉ khoảng 13 % cơ hội, có thể giới hạn mức tăng nhiệt độ là 1,5 độ C so với thời kì tiền công nghiệp vào năm 2010.
Ông Mauritsen, tác giả chính nghiên cứu chia sẻ: “ Những ước tính của chúng tôi đều dựa trên những sự kiện đã xảy ra và những gì quan sát được và đều hướng tới kết luận rằng Trái Đất ấm lên chính là hậu quả của việc phát thải trong quá khứ. Khí CO2 phát thải trong tương lai sẽ góp phần làm gia tăng mức ấm lên này.”
Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu tại Paris năm 2016, 195 quốc gia đã ký cam kết hạn chế phát thải khí nhà kính nhằm duy trì nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 2 độ C (3,5 độ F) so với thời kì tiền công nghiệp và nỗ lực hơn nữa để giữ mức nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C (3 độ F) vào năm 2100. |
Thu Hà (Theo Science Daily)