ThienNhien.Net – Trong bài phát biểu về quyết định rút lui khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Tôi được bầu lên để đại diện cho công dân Pittsburgh, chứ không phải Paris.” Với lời tuyên bố này, Tổng thống Trump đã gửi một thông điệp đến toàn thế giới rằng ông luôn đặt Hoa Kỳ lên hàng đầu và ưu tiên lợi ích kinh tế của nước Mỹ lên trên hết, bao gồm cả những nỗ lực chung bảo vệ môi trường của nhân loại.
Hoa Kỳ hiện vẫn là quốc gia quyền lực nhất thế giới vì vậy những tác động kinh tế từ chính sách của Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia lớn nhỏ trên toàn cầu.
Dưới đây là câu chuyện điển hình của Campuchia – một quốc gia nhỏ, đang phát triển và phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ nước ngoài – trước chính sách cắt giảm viện trợ của Tổng thống Trump.
Viện trợ nước ngoài bị ảnh hưởng
Cuối tháng 4 vừa qua, Tạp chí Foreign Policy (Chính Sách Đối Ngoại) cho biết Campuchia có thể bị cắt giảm 70% viện trợ từ Mỹ vào năm 2018 như là một phần trong kế hoạch cắt giảm hơn một phần ba viện trợ cho các nước đang phát triển của Tổng thống Trump. Nếu kế hoạch cắt giảm ngân sách của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) được Quốc hội thông qua, USAID sẽ phải cắt bỏ khoảng từ 30-35 lĩnh vực viện trợ và 65% các cơ quan khu vực trên toàn cầu.
Đối với Campuchia, điều này đồng nghĩa với việc bị cắt giảm 11,7 triệu USD ngân sách hỗ trợ từ USAID, trong đó có các dự án giúp bảo vệ môi trường ở Campuchia.
Tại Campuchia, USAID đã hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và thương mại các sản phẩm phi gỗ, cung cấp cơ hội cho chính phủ và cộng đồng địa phương Campuchia có được nguồn thu từ bảo vệ rừng.
USAID cũng giúp nâng cao hiệu quả các chính sách, pháp luật tại Campuchia, giúp quốc gia này cải thiện việc thực hiện, thi hành, tuân thủ các cam kết quốc tế về môi trường, nổi bật là các nỗ lực bảo tồn rừng và các khu vực đa dạng sinh học quan trọng.
Campuchia là quốc gia có tỉ lệ phá rừng thuộc hàng cao nhất thế giới, tình trạng tham nhũng nghiêm trọng tạo điều kiện cho các hoạt động khai thác gỗ trái phép phát triển. Hút cát, đánh bắt cá trái phép hay những hoạt động gây tổn hại môi trường vẫn đang diễn ra khiến việc hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ để bảo tồn môi trường cho quốc gia nghèo này càng trở lên thiết yếu.
Theo công bố ngân sách chi tiết của Tổng thống Trump, số tiền tài trợ cho Campuchia năm 2018 chỉ bằng phần nhỏ so với các năm trước. Dù chính sách cắt giảm viện trợ hà khắc này này vấp phải sự phản đối từ cả hai Đảng trong Quốc hội nhưng vẫn giúp ông Trump truyền đi thông điệp là Hoa Kỳ sẽ không còn quan tâm tới bất cứ quốc gia nào ngoại trừ chính họ.
Ông Andrew Natsios, cựu Giám đốc USAID dưới thời Tổng thống Bush cho rằng quyết định của ông Trump ảnh hưởng tới hình ảnh tích cực của Hoa Kỳ trong lĩnh vực ngoại giao. Trong khi đó, phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Penh và Nhà Trắng đều không đưa ra bình luận nào về vấn đề trên.
Nhiều chuyên gia cho rằng người dân và môi trường ở Campuchia – vốn rất phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài – giờ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Ông Micheal Meyerhoff, quản lí dự án của Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sing học Angkor tại Siem Reap, Campuchia, chia sẻ rằng viện trợ nước ngoài vẫn là một phần quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường ở Campuchia. Tìm đến Bắc Kinh
Nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm sẽ có nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Campuchia. Trong năm nay, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã công khai chỉ trích yêu sách của Washington đòi Campuchia trả lại khoản nợ từ những năm 70. Người dân nước này cho rằng việc Hoa Kỳ tuyên bố Campuchia mắc nợ họ là “phi đạo đức”, đặc biệt là khi Hoa Kỳ từng ném bom lên Campuchia trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam gây ra sự huỷ diệt nghiêm trọng và bất ổn chính trị dẫn đến hình thành nhà nước diệt chủng Khmer Đỏ.
Tranh cãi chưa thể giải quyết giữa Washington và Phnom Penh đã khiến ông Hun Sen chuyển sang tiếp cận với Trung Quốc. Thời gian gần đây, Trung Quốc xem Campuchia là đối tác đầu tư và đồng minh chiến lược trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Cho tới nay, nguồn tiền từ Bắc Kinh là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Campuchia. Đổi lại, Campuchia trở thành đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN thể hiện bằng việc chống đối các thoả thuận của khối cũng như ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực như việc Trung Quốc tuyên bố tham vọng chiếm Biển Đông.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lạnh nhạt với Hoa Kỳ và chịu ảnh hưởng ngày càng tăng từ Trung Quốc sẽ nguy hại đến môi trường của Campuchia. Bởi lẽ, Bắc Kinh xưa nay không mặn mà với các cam kết bảo vệ môi trường, nhất là với những dự án phát triển bên ngoài biên giới của họ. Thay vào đó, Trung Quốc ưu tiên phát triển kinh tế với những dự án hạ tầng, cơ sở vật chất lớn.
Bà Courtney Weatherby, chuyên gia nghiên cứu, phân tích của Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson chia sẻ: “Tôi nghĩ ảnh hưởng lớn nhất đối với môi trường của Campuchia khi ngả về Trung Quốc chính là sự thiếu minh bạch trong các dự án. Một trong những lợi ích khi làm việc với các quốc gia hay nhà đầu tư phương Tây là họ có tiêu chuẩn về môi trường và xã hội cao hơn cũng như minh bạch hơn trong quản lý và luôn sẵn sàng cải thiện khi bị phê bình.”
Bà nhận định rằng Cơ chế Hợp tác Lan Thương – Mê Kông (LMCM) mà Trung Quốc khởi xướng không khác gì chính sách “Một vành đai, Một con đường” hay những hoạt động xây dựng cơ sở vật chất quy mô lớn khác của Trung Quốc. Chiến lược này của Bắc Kinh thể hiện rõ nỗ lực của họ trong việc kết nối với các nền kinh tế khác, gia tăng vị thế dẫn đầu qua hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng đắt giá xuyên suốt lục địa Á Âu.
Vai trò của Liên hợp quốc
Liên hợp quốc vốn đang thực hiện những nỗ lực riêng để bảo vệ môi trường ở Campuchia dưới sự bảo trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cũng là một thể chế bị Tổng Thống Trump công khai chống đối.
Tại Campuchia, UNEP cũng đang thực hiện những dự án nhằm giảm thiểu tác động do thay đổi môi trường và đang ủng hộ thiết lập khu vực bảo tồn ở Campuchia, và hỗ trợ quốc gia này thực hiện các sáng kiến cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng từ những mất rừng và suy thoái rừng.
Ông Jonathan Gilman, thành viên ban Hoạch định Chính sách Chiến lược của UNEP tại Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh rằng môi trường và con người ở Campuchia đang đối mặt với nhiều nguy cơ bởi vì giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, tuy chỉ góp phần nhỏ vào phát thải khí thải carbon, nhưng quốc gia này không thể tự bảo vệ trước sự tấn công dữ dội của những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu do còn là nước nghèo. Điều này giải thích tại sao sự ủng hộ của LHQ và viện trợ nước ngoài là chìa khóa để giúp hạn chế và ngưng kéo dài thiệt hại ở quốc gia này.
Nguy cơ từ các dự án phát triển
Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu dỡ bỏ các quy định môi trường ở Hoa Kỳ, thường xuyên ban hành những chính sách ưu ái cho các doanh nghiệp hơn là bảo vệ môi trường. Mặc dù còn sớm để có thể khẳng định, nhưng lập trường và chính sách như vậy có khả năng sẽ lan rộng đến những quốc gia khác.
Các chính sách đối ngoại của Mỹ dưới sự điều hành của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson – cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn EXXON – được dự đoán rằng sẽ “giơ cao đánh khẽ” với những dự án xây dựng quy mô lớn gây nguy hại đến môi trường.
Và ở Campuchia, trong công cuộc chuyển mình từ quốc gia đang phát triển thành quốc gia phát triển sẽ có rất nhiều những dự án như vậy, thậm chí một vài dự án đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân vùng nông thôn. Chẳng hạn, dự án “đường vành đai biên giới” kết nối Việt Nam và Campuchia, hiện đang được thi công ở tỉnh Stung Treng (Campuchia), cắt ngang một khu vực chưa có đường đi của Vườn quốc gia Virachey, đem đến nhiều nguy cơ về nạn khai thác khoáng sản và gỗ trái phép xuyên biên giới..
Tại Đông Bắc Campuchia, những con đập trên sông Sesan và Srepok đã cướp đi sinh kế của các cộng đồng ven sông vốn phụ thuộc vào đánh bắt cá từ những nhánh sông này và làm trầm trọng thêm tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp. Nạn buôn bán gỗ dưới vỏ bọc gỗ hợp pháp khai thác trong quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng đập lại đang lan nhanh ở mức báo động.
Đập Sambor trên sông Mê Kông, đập thủy điện đầu tiên của Campuchia trên dòng chính sông Mê Kông, đề xuất khởi công vào năm 2020, sẽ có nguy cơ tàn phá, gây thiệt hại lớn tới môi trường sống của loài cá heo Irrawaddy với số lượng còn lại chỉ khoảng 150 cá thể.
Mối ưu tiên khác và các hệ lụy tiềm tàng
Chính sách không quan tâm đến những quốc gia nhỏ như Campuchia của Tổng thống Trump có thể tạo ra một hiệu ứng khuyến khích các hoạt động gây suy thoái môi trường. Việc thiếu nguồn viện trợ từ Mỹ, thiếu sự chỉ dẫn và mô hình mang tính định hướng tích cực của Hoa Kỳ cộng với việc chính sách pháp luật lỏng lẻo, thực thi yếu kém ở Campuchia có thể khiến bùng nổ các hoạt động kinh doanh, dự án lớn mang lại nhiều lợi nhuận nhưng cũng huỷ diệt môi trường và đi kèm với tham nhũng.
Cựu Tổng Thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Hillary Clinton đều thúc đẩy chính sách Ngoại giao của Mỹ theo chính sách “Xoay trục sang Châu Á”. Ở mức độ nào đó, sự tham gia của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á trong suốt nhiệm kỳ của Obama cũng là một yếu tố giúp duy trì sự bền vững cho khu vực này.
Ông Trump, ngược lại, đã tỏ rõ rằng sẽ thay đổi định hướng của Obama và tập trung trong việc nâng cao sức mạnh của Hoa Kỳ hơn là gây ảnh hưởng lên chính sách của quốc gia khác.
Các nhà quan sát lo ngại rằng việc rút tài trợ của Hoa Kỳ cũng như không còn các động thái gây áp lực lên luật pháp và các chính sách của quốc gia này sẽ hủy hoại môi trường, gia tăng tham nhũng, hạn chế tự do ngôn luận và nhân quyền ở Campuchia.
Quyết định cuối cùng về ngân sách cho USAID vẫn chưa được đưa ra, nhưng nếu chính sách tự cô lập, chống lại môi trường của Tổng thống Trump còn tiếp tục, thì loài cá heo Irrawaddy, sông Mê Kông, rừng ở Campuchia và người dân địa phương sẽ phải chịu nhiều khó khăn.
Gia Quyên (Theo Mongabay)